Hà Nội: Đất ven sông 'cháy hàng' nhờ tiếng 'người Hoàn Kiếm'

Toàn bộ quỹ đất chạy dọc 2 bên bờ sông Hồng, được xác định là đất nông nghiệp. Các làng, xã được hình thành hiện nay đều là đất lấn chiếm. Về nguyên tắc, đất lấn chiếm, đất nông nghiệp không được cấp giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Đất ven sông “cháy hàng” nhờ tiếng "người Hoàn Kiếm"

Sau khi có thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng đoạn chảy qua nội thành Hà Nội, ngay lập tức, giá trị đất đai tại khu vực này “dậy sóng”.

Theo khảo sát, trong 1 năm qua, giá đất tại khu vực Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng, Tứ Liên, Nhật Tân, Ngọc Lâm;... tăng bình quân 5% - 10%, tùy nơi.

Cụ thể, khu vực “hot” nhất ngoài đê sông Hồng, là Phúc Tân - Phúc Xá, giá nhà đất trong ngõ, dao động từ 80 - 170 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số mảnh đất nằm ở mặt đường Hồng Hà, Bạch Đằng, giá đất còn vọt trên 200 triệu đồng/m2.

Nhà 15 m2, có giá 1,55 tỷ đồng. Tương đương 170 triệu đồng/m2.

Tương tự, khu vực Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ), giá nhà đất trong ngõ dao động từ 50 - 60 triệu đồng/m2. Các ô đất trục đường lớn, giá đất có thể đạt 120 - 170 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, các lô đất tại Bồ Đề, Long Biên, Ngọc Lâm, có giá rẻ hơn nhiều so, do nằm ở quận Long Biên. Mức giá dao động trong khoảng 40 - 120 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, Thế Anh, một chuyên viên môi giới bất động sản tại Hà Nội khẳng định: Nhà đất tại khu vực ngoài đê sông Hồng, nhất là khu vực Phúc Tân - Phúc Xá luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Thế Anh phân tích: Khu vực này nằm trong quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, 2 quận phát triển nhất Hà Nội. Tuy nhiên, so với giá nhà đất ở các khu vực bên trong đê, giá đất khu Phúc Tân - Phúc Xá rẻ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/4.

Ví dụ, tại quận Hoàn Kiếm, khu vực Hàng Bồ, Hàng Bạc, giá nhà đất có thể đạt tới 500 - 800 triệu đồng/m2. Trong khi, giá nhà đất cao nhất tại Phúc Tân là 200 - 220 triệu đồng/m2.

“Giá đất, giá nhà khu Phúc Tân, Phúc Xá rẻ hơn nhiều, nhưng người mua nhà vẫn được coi là sống ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Ai chẳng thích cái danh sống ở trung tâm thành phố. Do đó, khu vực này từ trước tới nay luôn “hot”, có sản phẩm nào là bán nhanh trong 3 nốt nhạc”, Thế Anh nói.

Được biết, hầu hết nhà đất ở khu vực ven sông Hồng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nên việc giao dịch, thừa kế, thế chấp nhà ở để vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn.

Để trấn an người mua, Thế Anh khẳng định: “Cứ ở lâu, kiểu gì cũng sẽ được cấp sổ đỏ”.

“Tất cả đất ven sông đều là đất lấn chiếm, sau đó vẫn có nhà được cấp sổ đỏ đó thôi. Cho nên, anh chị cứ mua nhà ở khu vực này để ở, trong tương lai vẫn được cấp “sổ đỏ” theo quy định”, Thế Anh nói.

Cẩn trọng khi giao dịch nhà đất ven sông Hồng

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà phải thật cẩn trọng khi có nhu cầu mua đất tại khu vực ven sông Hồng.

Toàn bộ đất ven sông Hồng đều là đất lấn chiếm.

Phân tích rõ hơn về nhận định này, ông Lực nói: Trên thực tế, toàn bộ quỹ đất chạy dọc 2 bên bờ sông Hồng, được xác định là đất nông nghiệp. Các làng, xã được hình thành hiện nay, như Phúc Tân, Phúc Xá, Nhật Tân, Tứ Liên hay Bạch Đằng đều là đất lấn chiếm. Về nguyên tắc, đất lấn chiếm, đất nông nghiệp không được cấp giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2013, có quy định một số trường hợp đất không giấy tờ, sẽ được hợp thức hóa bằng cách cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 101, Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, từ thời điểm 1/7/2004 và không vi phạm đất đai, không có tranh chấp thì sẽ được cấp “sổ đỏ”.

Như vậy, ông Lực khuyến cáo: Trước khi rót vốn vào đất ven sông, nhà đầu tư cần phải xác định nguồn gốc đất, ở UBND phường/xã, hoặc các văn phòng đăng ký đất đai, kiểm tra thửa đất đó có đủ điều kiện để cấp “sổ đỏ” hay không.

“Trong trường hợp, nhất quyết rót tiền vào đất ven sông không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, khi có quy hoạch, nhà đầu sẽ mất trắng, hoặc tiền đền bù sẽ rất thấp”, ông Lực khẳng định.

Đặc biệt, theo Nghị định 91/2019, NĐ-CP, việc mua bán - giao dịch đất đai không có sổ đỏ sẽ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, đối với các tổ chức giao dịch sai phép và 20 triệu đồng đối với cá nhân.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-dat-ven-song-chay-hang-nho-tieng-nguoi-hoan-kiem-post123764.html