Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp
Sáng 8.3, tại khu đô thị Splendora, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam tổ chức hội thảo Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp; chuyên đề chuyên sâu về giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp; kết quả ứng dụng công nghệ eGAP tại cơ sở ở Hà Nội; các giải pháp quản lý số, quản trị doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp; ứng dụng của các hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp; kinh nghiệm của doanh nghiệp, chủ thể sản xuất nông nghiệp khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Theo các đại biểu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tiến tới giai đoạn phát triển về chất – giá trị của nông sản thay cho phát triển về lượng; tư duy thị trường cũng dần thay thế cho tư duy sản xuất nông nghiệp trước đây. Vì vậy, để nông sản có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn, bán được giá cao thì cần sản xuất theo tiêu chuẩn Gap nói chung; minh bạch quy trình sản xuất và giám sát theo chuỗi giá trị; hoạt động sản xuất cần có hợp đồng tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch...
Theo đại diện một số hợp tác xã của TP Hà Nội, việc ứng dụng chuyển đổi số cho chuỗi giá trị nông sản đã mở ra cơ hội để chủ thể sản xuất nông nghiệp bán trực tiếp những sản phẩm tốt nhất của mình cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc triển khai xây dựng các sàn giao dịch mạnh, chuyên về nông sản thực phẩm, có khả năng kết nối thuận lợi giữa người tiêu dùng và các hợp tác xã, chủ thể sản xuất là vô cùng cần thiết.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: Các đơn vị quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần thường xuyên năm bắt tình hình thực tiễn triển khai nhiệm vụ; tham mưu tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong chương trình chuyển đổi số, kinh tế số và liên kết hợp tác. Đồng thời, làm đầu mối kiến tạo hệ sinh thái chuỗi giá trị từ đơn vị sản xuất – doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào chất lượng cao - doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm - hệ thống truyền thông, marketing đến người tiêu dùng.
Về phía các chủ thể sản xuất cần xác định sản phẩm đưa ra thị trường là hình ảnh, thương hiệu, văn hóa, lịch sử con người của cá nhân, địa phương và cũng là quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ thể với người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế. Đối với, các đơn vị truyền thông cần tuyên truyền các mô hình hiệu quả, cách làm hay, hình ảnh đẹp và phản ánh những điểm nghẽn trong thực tiễn để các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân nắm bắt. Từ đó, tham mưu thục hiện hiệu quả các chương trình, chiến lược chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã đề ra...