Hà Nội đẩy mạnh công tác truyền thông cho Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2024

'Truyền thông không chỉ cho thí sinh dự thi, cán bộ thực hiện công tác thi mà cần cả sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và toàn xã hội để Kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, theo đúng quy định, Quy chế của Kỳ thi', ông Lê Huy Nam nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiếm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: MOET.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiếm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: MOET.

Ngày 18/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia cùng thành viên Đoàn công tác số 1 Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị Kỳ thi.

HÀ NỘI ĐIỀU ĐỘNG HƠN 15.000 GIÁO VIÊN COI THI

Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Thành phố Hà Nội, ông Trần Thế Cương cho biết năm nay, toàn thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi tại 196 điểm thi tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Trong đó, có 94.935 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục THPT và 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên.

Sở giáo dục đào tạo thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng trường THPT, phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phổ biến, tập huấn, quán triệt về Quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Xây dựng phương án tổ chức điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Năm nay thành phố Hà Nội đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi cùng gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.

Sở giáo dục đào tạo Hà Nội thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi ở các khâu của Kỳ thi, thành lập các điểm thi, các đoàn/tổ thanh tra, giám sát Kỳ thi.

Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội. Ảnh: MOET.

Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội. Ảnh: MOET.

Đồng thời, sở chuẩn bị các phương án bố trí cơ sở vật chất cho công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi đảm bảo đúng Quy chế thi, thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các điểm thi, địa điểm chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận, địa điểm in sao đề thi đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế thi.

Là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn, phức tạp, thành phố Hà Nội kiến nghị với Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về thời gian tổ chức Kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học giúp cho các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.

Đồng thời, quy định rõ hơn về danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi tránh gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, dễ tạo cho thí sinh có sự lợi dụng sử dụng công nghệ cao trong việc gian lận thi.

Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội cho biết để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai, xây dựng kế hoạch từ rất sớm; chủ động các phương án rà soát, chuẩn bị trang thiết bị, phân công lực lượng chủ chốt ở các điểm thi, các khâu của Kỳ thi.

Công an Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai tập huấn các nội dung về phát hiện thiết bị gian lận thi cử đối với nhân sự tham gia tổ chức Kỳ thi.

CẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác số 1 đã lưu ý với thành phố Hà Nội về các nội dung phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại điểm thi, điểm in sao, điểm chấm thi; rà soát, phòng chống nguy cơ sử dụng thiết bị cao gian lận trong Kỳ thi; tập huấn đội ngũ nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt là các thí sinh yếu thế, khuyết tật, đảm bảo quyền lợi cho của học sinh; xây dựng các phương án xử lý tình huống bất thường xảy ra.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Huy Nam nhận định, trong thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền về Kỳ thi.

Tuy nhiên, từ nay đến khi Kỳ thi diễn ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông.

“Truyền thông không chỉ cho thí sinh dự thi, cán bộ thực hiện công tác thi mà cần cả sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và toàn xã hội để Kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, theo đúng quy định, Quy chế của Kỳ thi”, ông Lê Huy Nam nói.

Kiểm tra thực tế và qua báo cáo của thành phố, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành liên quan để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Tuy số lượng thí sinh dự thi đông, lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi lớn nhưng các khâu của Kỳ thi được thành phố Hà Nội thực hiện bài bản, nghiêm túc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong rằng, với kết quả đạt được của những năm qua, của nhiều kỳ thi, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy, chủ động, khẩn trương, quyết liệt, rõ vai, rõ việc trong công tác chỉ đạo trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-noi-day-manh-cong-tac-truyen-thong-cho-ky-thi-tot-nghiep-pho-thong-trung-hoc-2024.htm