Hà Nội: Đẩy mạnh giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản
Không chỉ dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, TP. Hà Nội đã và đang thể hiện vai trò 'đầu tàu' trong việc hỗ trợ các tỉnh, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản an toàn…
Đã mở 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn;
Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ, sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, Thành phố luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, TP. Hà Nội đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên Thế giới.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, có 2.167 sản phẩm OCOP của Thủ đô đã được công nhận, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, Hà Nội gần gấp đôi với tỷ lệ 62%. Điều này cho thấy, TP. Hà Nội phát triển chương trình OCOP cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, không chỉ các huyện mà ở các quận, việc đánh giá, chấm điểm OCOP cũng được triển khai hiệu quả.
Thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP, TP. Hà Nội đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Liên tiếp tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được Thành phố rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Ngày 10/8, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Long Biên khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023.
Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 14/8/2023 tại khu vực cổng làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Tuần hàng có quy mô 50 gian hàng, với hàng ngàn sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn.
Tham gia tuần hàng có 43 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và 18 tỉnh, TP gồm: Hà Tĩnh, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Kon Tum, Hải Phòng, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Nam.
Phát biểu khai mạc tuần hàng, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: Thời gian qua, TP. Hà Nội đã quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại; tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, thông qua các sự kiện, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…
Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết thêm, tuần hàng là hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Trước đó, từ ngày 3-6/8, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chứ Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023, tại Trung tâm Thăng Long (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm)…
Đầu tháng 7, Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 có quy mô hơn 100 gian hàng, với gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Ba Vì, của TP. Hà Nội và 23 tỉnh, TP trong cả nước cũng được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức, tại Sân vận động trung tâm thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận. Đáng chú ý, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 có điểm mới là UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; Bản sắc/trí tuệ địa phương.
Đồng thời việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Do đó, thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.
OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng sẽ được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy. Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt đó.
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu phát triển thêm từ 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Theo Kế hoạch số 312/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023;
TP. Hà Nội phấn đấu năm 2023, phát triển thêm từ 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô (theo nhiệm vụ UBND TP. Hà Nội giao hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP mới trở lên);
Triển khai xây dựng thí điểm 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.