Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả. Tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, TP Hà Nội đã phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu. Trong thời gian qua, nhằm phát triển các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, gồm 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 06 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 15 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, 39 vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, 48 khu chăn nuôi tập trung và 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. “Đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu của các tỉnh, TP để đóng gói, xuất khẩu. Hà Nội đã có một số sản phẩm nông sản mũi nhọn có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, phát triển sản xuất rau củ, quả cũng là một lợi thế của Hà Nội. Theo đó, Hà Nội có tổng diện tích gieo trồng rau các loại hằng năm đạt gần 34.000ha; tốc độ tăng trưởng diện tích rau đạt trung bình 1,41%/năm. Đồng thời, là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trên địa bàn thành phố luôn ổn định, có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất. Sản lượng rau hằng năm đạt trên 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, theo mùa, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô...
“Để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha. Trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với những kết quả đã đạt được, để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước.