Hà Nội đẩy mạnh liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, khoa học công nghệ của đất nước, là một trong hai đầu tàu kinh tế lớn, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, giữ vai trò lớn trong hầu hết các lĩnh vực, có khả năng thu hút đầu tư, kết nối sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu, lan tỏa và hỗ trợ phát triển kinh tế cả khu vực đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô.

Người lao động tại Tổng công ty May 10 hăng say lao động hưởng ứng thi đua tăng năng suất, chất lượng. (Ảnh: NS)

Người lao động tại Tổng công ty May 10 hăng say lao động hưởng ứng thi đua tăng năng suất, chất lượng. (Ảnh: NS)

Thủ đô Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành chương trình hành động số 23/CTr/TU ngày 3/2/2023 đồng thời ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 9/5/2023 về triển khai Chương trình hành động của Thành ủy và Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo thực hiện với mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Về phát triển và thu hút đầu tư công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp, TP Hà Nội có khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích theo quy hoạch là 1.586ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai, được quy hoạch thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh. Khu công nghệ cao Hòa Lạc có điều kiện để hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, làm tiền đề cho phát triển công nghiệp bán dẫn.

Về phát triển các khu công nghiệp, TP có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.348ha, trong đó có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.271 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện 3 khu công nghiệp, diện tích 663 ha là: khu công nghiệp Quang Minh II huyện Mê Linh, diện tích 160 ha; khu công nghệ cao sinh học quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội diện tích 200,6 ha; khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha.

Theo cách tiếp cận từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, việc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuỗi phân phối đem lại nhiều cơ hội, lợi ích cho DN, giúp các DN hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.

Hiểu theo ngiã rộng hơn, chuỗi giá trị là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ) để biến một nguyên liệu thô và chuyển dịch theo các mối liên kết với các DN khác trong kinh doanh, lắp ráp, chế biến… với người tiêu dùng cuối cùng.

Trong lĩnh vực cơ khí, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm DN chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ô-tô, xe máy… Sự hợp tác này cho phép giảm thiểu rất nhiều về chi phí, tồn kho, thời gian giao nhận.

Mục tiêu đến 2025 của Hà Nội

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Hà Nội. Trong đó có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Đến nay, số lượng DN sản xuất CNHT khu vực chế tạo tại Hà Nội đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang đứng đầu cả nước, với khoảng 350 DN. Trong đó, nhóm phát triển nhất là khu vực sản xuất cơ khí, chiếm gần 80% DN. CNHT Hà Nội hiện nay cung ứng cho ngành công nghiệp xe máy.

Cùng với đó, Hà Nội tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may-da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội đã hình thành khu CNHT Nam Hà Nội do Công ty CP đầu tư và phát triển N&G là chủ đầu tư với quy mô 559 ha, trong đó giai đoạn 1 là 72 ha được quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may - da giày, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, CNHT phục vụ công nghệ cao.

Hiện nay, khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Năm 2024, TP đã thu hút đoàn DN CNHT thuộc mạng lưới hàng không vùng Kobe - Nhật Bản chuyên sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, máy móc thiết bị ngành cơ khí chính xác vào đầu tư, hình thành tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật bản tại khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển CNHT trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình phát triển CNHT TP Hà Nội giai đoạn 2020 -2025 và ban hành quy chế “Quản lý kinh phí phát triển CNHT và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển CNHT của TP Hà Nội”.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-lien-ket-phat-trien-chuoi-gia-tri-xuat-khau-383534.html