Hà Nội: Để nghề làm nón làng Chuông không bị 'thất truyền'

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, từ lâu nổi tiếng với nghề làm nón truyền thống. Cái nghề được cha ông ta gìn giữ và bảo vệ từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, cũng như bao làng nghề truyền thống khác, du lịch nón lá làng Chuông đa phần phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết.

Để làm được chiếc nón cần tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Để làm được chiếc nón cần tỉ mỉ trong từng công đoạn.

“Kiếm không nhiều tiền nhưng cũng không bỏ được…”

“Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông” - Câu ca dao này được các cụ trong làng đọc lên khi chúng tôi ghé thăm. Nó được truyền tụng từ bao đời không ai còn nhớ cả, người người lớp lớp trong làng từ già đến trẻ ai cũng thuộc câu ca dao này và không còn nhớ nổi làng nghề có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ khi được sinh ra đã thấy các ông, các bà truyền lại cho các thế hệ sau.

Chiếc nón lá là biểu tượng đặc trưng, mộc mạc của văn hóa Việt, làng nón Chuông mang những nét hoài niệm của làng nón hàng trăm năm tuổi, với những bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người dân, cùng làm ra những chiếc nón lá đẹp và bền bỉ. Đi dọc bờ đê sông Đáy, làng Chuông, một ngôi làng còn rất nhiều căn nhà xưa cũ, ao sen, cây đa, sân đình, nơi những các bà, các cụ hàng ngày vẫn ngồi đan từng chiếc nón, giữ gìn nghề truyền thống.

Nguyên liệu chính để làm ra nón là lá lụi, được mua từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa... trải qua nhiều công đoạn như vò với cát, phơi lá khô rồi duỗi cho thẳng ra, mới có thể sử dụng được. “Khi mới học làm nón thì công đoạn nào cũng khó, nhưng làm quen rồi thì thấy nó dễ. Nhưng để cho ra một chiếc nón tròn vành, đẹp đẽ thì công đoạn khó nhất là quay nón, khi quay phải khéo léo để chóp không bị hở, lá sau khi được làm thẳng sẽ được cắt tỉa sao cho vừa nón để tránh bị cộm. Mỗi ngày nếu không bận thì tôi quay được hai cái, còn không thì chỉ quay được một cái. Sau khi làm xong các thương lái sẽ đến mua hoặc sẽ mang ra chợ bán theo từng phiên”, cô Lê Thị Thủy cho hay.

Không những thế, khi chọn lá làm nón phải chọn lá thật trắng, có nhiều gân để tránh bị rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre với nứa được vót tròn, mịn và khi khâu không được làm đứt cước. Cước có hai loại màu là đỏ và trắng, khi khâu mũi khâu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn vành, khít đều nhau từ mép lá đến đường khâu.

Đặc biệt, các múi nối sợi móc của người thợ làng Chuông khi khâu đều được giấu kín. Khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy các mũi khâu đều tăm tắp, không có một đường ngắt quãng. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo qua các công đoạn tỉ mỉ, cẩn thận cũng là một nét đặc biệt của nón làng Chuông so với nón lá của các nơi khác.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất với nhiều loại nón khác nhau, nhà nhà người người ai cũng làm ví dụ như nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp… Trong thời đại phát triển, làng Chuông là nơi luôn cung cấp các loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá ghép sống. Trong đó, nón quai thao được các bà, các cô giữ gìn cẩn thận để đội đi chùa chiền, đi chơi. Còn nón lá ghép sống phục vụ cho các chị em phụ nữ làm vườn, làm đồng để tránh nắng, tránh mưa. Và mỗi loại nón có giá thành khác nhau thường dao động từ 40.000 đồng đến 250.000 đồng.

Giá nón còn được dao động ở mỗi thời điểm, trong những ngày giáp Tết, hay các ngày gặt hái lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn các tháng bình thường do khách trong nước và du khách nước ngoài đặt hàng nhiều để làm quà tặng, phục vụ các dịp lễ hội và để người dân mua về để gặt hái….

Các cô, các bà tụ tập tại một nhà để làm nón tại nhà.

Các cô, các bà tụ tập tại một nhà để làm nón tại nhà.

Bước vào trong căn nhà 3 gian, trước mắt chúng tôi là các bà, các cô, các chị đang miệt mài, tỉ mỉ làm từng công đoạn của mình. Nhớ lại thời làm nón còn đông vui của làng, cô Lê Thị Đức cho hay: “Tôi biết làm nón từ khi 5 tuổi, đến nay đã gần 60 năm. Vài chục năm về trước thì làng đông vui lắm, người già, người trẻ thi nhau đan nón. Ngày ấy, đan nón là nghề chính của làng, các cụ già thì dạy các lớp trẻ tập đan, mới lớn thì cho tách lá, ai ai cũng phải làm. Nhưng giờ xã hội ngày càng phát triển chỉ có các cụ, người trung niên ở nhà đan nón, còn cánh trẻ chúng nó đi làm ở chỗ khác, kiếm thu nhập cao hơn”.

Chạy dọc bờ đê sông Đáy, lá nón được phơi khắp các mép đê làng Chuông, trời càng nắng, lá càng trắng và đẹp. Để có được những chiếc nón hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng, những nghệ nhân phải cẩn thận trong mọi công đoạn, kiên nhẫn, tỉ mỉ với từng đường kim, mũi chỉ. Khi chiếc nón được khâu xong sẽ được bôi một lớp dầu để tránh bị mốc và nón trở nên trắng muốt. Với những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí bởi các hoa tiết hoa lá được cắt bằng giấy, những lớp vải được phú trên chiếc nón, hay những lớp vẽ làng quê yên bình được vẽ lên mặt nón. Người làng nghề cũng rất vất vả để tạo nên thành phẩm là chiếc nón hoàn chỉnh bền và đẹp đến tay mọi người.

Nỗi niềm bảo tồn nón làng Chuông

Nghề đan nón của làng Chuông là một trong những chiếc nôi sản xuất nón lá nổi tiếng nhất đất Hà Thành. Tuy nhiên, cũng như các làng nghề khác, hiện giờ còn rất ít người theo nghề đan nón và chỉ còn chủ yếu là các ông bà lớn tuổi, người trung niên đang cố gắng gìn giữ nghề cha ông để lại.

Không gian trải nghiệm của cô Lưu Thị Thảo.

Không gian trải nghiệm của cô Lưu Thị Thảo.

Một trong những điều mà các nghệ nhân trăn trở đối với sự phát triển làng nghề hiện nay là thiếu tổ chức liên kết để tạo thành một chuỗi du lịch trải nghiệm có hệ thống. Hiện nay, xã Phương Trung đang tập trung các làng nghề với các sản phẩm đặc trưng như làm nón, làm quạt… do không có sự liên kết với nhau nên quy mô nhỏ và hầu hết là mang tính tự phát, vì vậy, du lịch trải nghiệm còn thưa thớt.

Ngoài ra, là một làng nghề truyền thống nhưng việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, điều đáng mừng là từ khi tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm nón lá đã mở rộng thị trường khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… nhờ đó mà hiệu quả kinh tế từ làm nón cũng tăng lên nhiều lần.

Cũng góp phần làm cho sản phẩm làng nghề tiếp cận được đến nhiều người hơn, nghệ nhân Lưu Thị Thảo chia sẻ về cơ duyên mở ra điểm trải nghiệm nghề thủ công nón lá làng Chuông: “Tôi mở không gian trưng bày cho khách đến trải nghiệm cũng từ vài năm trước, lúc đó chưa phát triển du lịch trải nghiệm nhưng do thấy các khách du lịch đến tham quan làng nhiều nên tôi quyết định mở. Mỗi ngày cũng có vài đoàn khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Và đầu tháng 9 đến cuối tháng 4 là nhiều nhất, lúc đấy thời tiết dễ chịu cũng vào dịp cuối và đầu năm nên mọi người đi du lịch nhiều”.

Các hoạt động du lịch trải nghiệm tại làng Chuông hiện nay bao gồm tham quan các đình, chùa tại làng, trải nghiệm sinh hoạt trong không gian nhà cổ. Cùng với tham quan, khách du lịch được các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử làng Chuông cũng như được trải nghiệm trực tiếp cách làm nón. Các hoạt động trên chủ yếu thu hút khách nước ngoài và học sinh các trường.

Mặt khác, du khách chỉ đến trải nghiệm, được hướng dẫn cách làm và vẽ trên nón, không có các sản phẩm phụ trợ khác liên quan nên sức mua của khách hàng còn hạn chế, hiệu quả thu về thấp.

Chia sẻ thêm về nghề làm nón, chị Thảo cho biết: “Mỗi tuần xưởng của tôi đóng gói gửi vào Huế cứ trăm cái một lần, lúc cần nhiều thì thuê thợ nhiều, tùy nhu cầu người đặt. Ở xưởng của tôi có rất nhiều mẫu mã, đa dạng, ai muốn làm như thế nào thì tôi làm. Tuy nhiên, có tranh vẽ trên nón là phải đi thuê”.

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, nghệ nhân Lưu Thị Thảo đã không ngừng phát triển, cải tiến không gian làm việc bình thường thành không gian trải nghiệm cho các khách du lịch để mọi người biết đến sản phẩm của mình. Từ đó, chị đã liên kết với các công ty tổ chức tour du lịch đưa khách về tham quan, kết hợp trải nghiệm quy trình làm nón, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Khách du lịch trải nghiệm làm nón.

Khách du lịch trải nghiệm làm nón.

“Tôi mong muốn, chính quyền và địa phương có cơ chế, những liên kết rộng mở để phát triển điểm du lịch làng nghề nón làng Chuông, tạo không gian rộng lớn cho khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, quảng bá làng nghề. Từ đó, bảo tồn và phát huy làng nghề nón lá truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân”, nghệ nhân Lưu Thị Thảo kỳ vọng.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tuy rằng nghề đan nón không còn được hưng thịnh như xưa. Nhưng với những bàn tay tỉ mỉ, khéo léo đã tạo nên những cái tài của nón làng Chuông không ở đâu sánh bằng. Vì vậy, những người dân làng Chuông tâm huyết với nghề làm nón, người già truyền lại cho lớp trẻ cứ thế nghề nối nghề và họ mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm để chiếc nón lá vừa là truyền thống, vừa là nét văn hóa của người Việt Nam không bao giờ biến mất.

Thanh Tâm - Hiền Lương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-de-nghe-lam-non-lang-chuong-khong-bi-that-truyen-376729.html