Hà Nội đề xuất ban hành quy định về niên hạn với xe máy
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành quy định về niên hạn đối với xe máy để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Sáng 6/1, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Trong đó, đáng chú ý, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành quy định về niên hạn đối với xe máy để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2021, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công, hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư trên địa bàn Thành phố như: đưa vào khai thác, vận hành thương mại có hiệu quả, an toàn tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long).
Thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai khởi công, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung của Thành phố như: Hoàn thành nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đang thi công xây dựng các công trình: Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, Hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3; Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc...
Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã tập trung xử lý, khắc phục được 20/27 điểm đen về tai nạn giao thông; xử lý được 10/37 điểm ùn tắc giao thông; tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; nâng cao chất lượng công tác duy tu, duy trì, không để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân do hạ tầng.
Thành phố cũng tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng của mạng lưới vận tải hành khách công cộng để phục vụ tốt nhu cầu của người dân; đặc biệt từ ngày 06/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Đến nay, đã có 03 tuyến buýt điện đi vào hoạt động với tổng số 48 xe, sử dụng năng lượng điện với nhiều tiện ích công nghệ thuận tiện cho hành khách (có bậc xe lăn cho người khuyết tật, vị trí ưu tiên cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, hệ thống bảng điện tử LED hiện đại, hệ thống camera giám sát, wifi miễn phí, hệ thống GPS...).
Các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông tiếp tục được các lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm.
Cụ thể: trong năm 2021, các lực lượng Công an Thành phố và Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra xử lý 387.124 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 235 tỷ đồng, tạm giữ 16.564 phương tiện, tước giấy phép lái xe 18.381 trường hợp, tước phù hiệu xe kinh doanh vận tải hành khách 126 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 52 trường hợp.
Đáng chú ý, trong năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giảm sâu cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), cụ thể như sau: Từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 827 vụ tai nạn giao thông, làm 350 người chết, 547 người bị thương (so sánh với cùng kỳ năm 2020 giảm 197 vụ = 19,2%, giảm 97 người chết = 21,7%, giảm 117 người bị thương = 17,6%).
Năm 2022, Hà Nội sẽ gắn trách nhiệm của Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành Thành phố có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xử lý kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị Bộ Công an sớm nghiên cứu nâng cấp hệ thống dữ liệu xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông kết nối đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành quy định về niên hạn đối với xe mô tô, xe gắn máy và tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với loại phương tiện này để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.