Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù về công nhận đạt trường chuẩn quốc gia
Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số nhanh, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp, quỹ đất dành cho trường học hạn chế dẫn đến quá tải. UBND TP đề nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù trong công nhận đạt chuẩn quốc gia và nâng tầng để đảm báo diện tích tối thiểu/học sinh.
72,7% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia
Theo báo cáo của UBND TP tại Phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội do Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND TP, ngành GD&ĐT trong những năm qua đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Quy mô mạng lưới trường, lớp học ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, đến tháng 9/2023 số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP đạt tỷ lệ 72,7% (1.632/2.244 trường), trong đó: Mầm non đạt 71,9; Tiểu học đạt 68,3%; THCS đạt 80,1%; THPT đạt 66,9%. Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, đến nay Hà Nội đã có 1.326 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp, đã cơ bản đáp ứng tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS; khu vực có 3-5 vạn dân có 1 trường THPT công lập.
Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 2 đạt từ 80%-85%, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 31/8/2022 về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, toàn TP phải hoàn thành công nhận mới 552 trường chuẩn quốc gia, trong đó năm 2022 kế hoạch 194 trường (đã thực hiện 142 trường); năm 2023 kế hoạch 130 trường (đã thực hiện 7 trường).
UBND TP đã giao Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia của toàn TP; giao UBND các quận, huyện, thị xã, rà soát, đánh giá việc thực hiện (gồm tiêu chí về cơ sở vật chất và các tiêu chí về chất lượng giáo dục) để đánh giá khả năng hoàn thành chỉ tiêu. Đồng thời, xem xét bổ sung chỉ tiêu công nhận lại trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội được TP giao kế hoạch hàng năm.
Dự kiến dành 20.526 tỷ đồng thực hiện 648 dự án trường học
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND ngày 8/4/2022 về đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 về cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, TP dự kiến dành ngân sách 20.526 tỷ đồng thực hiện 648 dự án trường học. Đến hết tháng 9/2023, đã có 599/648 dự án (92,4%) được phê duyệt chủ trương đầu tư; 489 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư; 421 dự án đã khởi công thực hiện; 144 dự án đã hoàn thành; dự kiến năm 2023 hoàn thành thêm 194 dự án.
Ngoài ra, TP đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ cấp huyện đầu tư các dự án trường học thuộc Chương trình mục tiêu nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng thực hiện 57 dự án. Đến nay đã triển khai xây dựng 56 dự án (trong đó đã hoàn thành 39 dự án, năm 2023 dự kiến hoàn thành 12 dự án).
Ngân sách cấp huyện đã dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện các dự án trường học: Dự kiến 37.783,6 tỷ đồng thực hiện 1.172 dự án. Giai đoạn 2021-2023 đã bố trí 15.203,3 tỷ đồng, đầu tư xây dựng và hoàn thành 387 dự án.
Quy hoạch trường học không bắt kịp tốc độ gia tăng dân số
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân, việc thực hiện xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường học tại Hà Nội còn một số khó khăn, tồn tại như: thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học trong các quận nội đô và một số vùng tập trung đông dân cư (tại các khu đô thị, khu công nghiệp...); các quy định mới của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí ngày càng cao dẫn đến nhiều khó khăn trong công nhận lại trường chuẩn quốc gia của TP.
Hiện Hà Nội vẫn còn 8 quận - chủ yếu các quận vùng lõi, thiếu 49 trường học mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tối thiểu mỗi xã, phường có tối thiểu 1 trường công lập theo các cấp học. Trong khi đó, việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngoài ra, quỹ đất dành cho trường học trên địa bàn các quận rất hạn chế, do vậy việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia khó khăn. Một số khu đất để xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS trong các khu đô thị mới còn chậm và khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng; việc xây dựng trường học do thu hồi vốn chậm nên các chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đầu tư...
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét có cơ chế đặc thù về quy định kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia và quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học đối với các cơ sở giáo dục tại các quận ở trung tâm TP lớn như nâng tầng so với quy định; giảm diện tích tối thiếu/1 học sinh để đảm bảo số học sinh trên lớp không vượt quá quy định, nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.