Hà Nội đề xuất giải ngân linh hoạt kinh phí công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư

UBND thành phố kiến nghị cho phép được nghiên cứu, triển khai chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án đầu tư công quan trọng thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2026-2030

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa XVI tới đây, UBND thành phố trình HĐND thành phố đề xuất xem xét một số nội dung để có cơ sở triển khai, ngay trong giai đoạn 2023-2025, cho phép được nghiên cứu, triển khai chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án đầu tư công quan trọng thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2026-2030, đảm bảo phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thi công đường dẫn hầm chui đường Vành đai 2,5 (ảnh minh họa)

Thi công đường dẫn hầm chui đường Vành đai 2,5 (ảnh minh họa)

Cụ thể, lĩnh vực văn hóa: Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (tu bổ, tôn tạo khu vực Thành cổ từ Kỳ Đài đến Bắc Môn; phục dựng công trình Lầu Đoan Môn, đường dẫn Lầu Bắc Môn; Đường hầm kết nối qua đường Hoàng Diệu,...); xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án bảo tồn di tích Cổ Loa; Tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di tích làng cổ ở Đường Lâm; Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Bát Tràng - Gia Lâm và Vạn Phúc - Hà Đông,

Thúc đẩy chuẩn bị đầu tư, các thủ tục triển khai bước đầu các dự án trọng điểm về môi trường, quan trọng như: Trạm bơm Liên Mạc; Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; đồng thời, triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng về xây dựng nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm tiêu, thủy lợi trên địa bàn (nạo vét sông Nhuệ; trạm bơm tiêu Đông Mỹ). Đồng thời, triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2026-2030 ngay trong năm 2024-2025.

Phát triển hạ tầng giao thông: về đường sắt đô thị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai và số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc ngay trong giai đoạn 2023-2025 và triển khai trong giai đoạn 2026-2030; triển khai nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị như: Tuyến 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi); Tuyến 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai); Tuyến 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Thượng Cát - Mê Linh); Tuyến 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), Tuyến 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá),...

Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai bước đầu các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (Cầu Tứ Liên, Cầu Trần Hưng Đạo,...) và nghiên cứu chuẩn bị đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông kết nối các huyện, kết nổi Hà Nội với các tỉnh lân cận để đảm bảo thông tuyến: Vành đai 2; Vành đai 2,5; Các trục đường hướng tâm, liên kết vùng: Quốc lộ 32; Quốc IA cũ; Quốc lộ 21B; Trục Tây Thăng Long; Đường trục kinh tế Bắc - Nam theo quy hoạch; Quốc lộ 3, Quốc lộ 21A; Trục Hồ Tây - Ba Vì; Các dự án nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kết nối giao thông, huyện lên quận.

Cho phép giải ngân linh hoạt kinh phí chuẩn bị đầu tư đối với các dự án hỗ trợ ngành dọc trong giai đoạn 2023-2025; một số dự án quan trọng cấp Thành phố (bao gồm các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ ngành dọc) thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 được Thành ủy thông qua chủ trương, HĐND Thành phố thông qua danh mục.

Cho phép giải ngân linh hoạt kinh phí công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (GPMB) đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 được HĐND Thành phố quyết nghị.

Về việc thực hiện quy định tại Điều 89 của Luật Đầu tư công, theo UBND thành phố đến nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có 46 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thời gian thực hiện trong 02 kỳ 2021-2025 và 2026-2030 có tổng mức đầu tư là 93,303,6 tỷ đồng (không bao gồm dự án Vành đai 4) được bố trí kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 là 59.928,8 tỷ đồng; tổng mức đầu tư chuyển sang giai đoạn sau là 33.374,9 tỷ đồng, đảm bảo theo quy định. Nếu tính toàn bộ các dự án chuyển tiếp, dự án mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến nay có 588 dự án với: tổng mức đầu tư là 287.194,5 tỷ đồng (không bao gồm dự án Vành đai 4); lũy kế giải ngân đến hết kế hoạch vốn năm 2020 là 56.035,3 tỷ đồng; được bố trí kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 là 180.542,6 tỷ đồng; tổng mức đầu tư chuyển sang giai đoạn 2026-2030 là 50.616, 6 tỷ đồng.

Theo phương án rà soát, điều chỉnh hiện nay tổng mức đầu tư của các dự án chuyển sang giai đoạn 2026-2030 là 215.456,3 tỷ đồng, gồm: 60 dự án sẽ triển khai thực hiện trong 02 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 với tổng mức đầu tư là 162.976,4 tỷ đồng (không bao gồm phần thực hiện theo phương thức đối tác công tư của dự án Vành đai 4); có giá trị tổng mức đầu tư chuyển thực hiện sang giai đoạn 2026-2030 là 56.137,5 tỷ đồng; 13 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư là 110.031,6 tỷ đồng và 42 dự án khác có tổng mức đầu tư là 66.875,5 tỷ đồng dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai bước đầu trong giai đoạn 2023- 2025 có giá trị tổng mức đầu tư chuyển sang giai đoạn 2026-2030 lần lượt là 102.011,7 tỷ đồng và 57.307,1 tỷ đồng.

H.La/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-de-xuat-giai-ngan-linh-hoat-kinh-phi-cong-tac-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-post1028182.vov