Hà Nội đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông: 'Không đủ tính thuyết phục'

Theo chuyên gia, TP Hà Nội đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông không đủ tính thuyết phục và có vẻ không đúng thời điểm.

Liên quan đến vụ đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông của TP Hà Nội, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông nêu quan điểm: "TP Hà Nội cho rằng cần các quy định và chế tài đặc thù riêng biệt trong xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ, khác với các địa phương khác, nhưng không đưa ra luận cứ cho khẳng định này. Đây là khía cạnh không đủ tính thuyết phục. Tôi cho rằng, đề xuất của TP Hà Nội có vẻ không đúng thời điểm. Trong khi các vấn đề mà Hà Nội nêu ra để bảo vệ ý kiến của mình như tắc đường,...vẫn tồn tại từ lâu. Gần đây Nghị định 168 mới áp dụng hơn 1 tháng đang tỏ rõ hiệu quả. Hà Nội lại không chỉ ra được vấn đề gì của Nghị định 168 mà phải tăng mức phạt".

Theo chuyên gia, TP Hà Nội đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông không đủ tính thuyết phục và có vẻ không đúng thời điểm.

Theo chuyên gia, TP Hà Nội đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm giao thông không đủ tính thuyết phục và có vẻ không đúng thời điểm.

Để làm rõ vấn đề này, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, Hà Nội đề xuất nâng mức xử phạt vi phạt nhưng thiếu vắng luận cứ về sự cần thiết - đặc thù: "Điều này phản ánh một thực tế là đôi khi các phát biểu chính sách hoặc quan điểm được đưa ra mà không kèm theo các phân tích, dữ liệu hoặc lập luận cụ thể để chứng minh tính xác đáng của nó. Trong trường hợp này, có thể đã có những nghiên cứu, đánh giá hoặc phân tích nội bộ được thực hiện để đưa ra nhận định về sự cần thiết đặc thù của Hà Nội, nhưng những luận cứ này chưa được công bố rộng rãi hoặc chưa được truyền thông đầy đủ đến công chúng. Đôi khi, những phát biểu về chính sách có thể xuất phát từ quan điểm chủ quan của một số cá nhân hoặc tổ chức, dựa trên kinh nghiệm hoặc cảm nhận của họ về tình hình thực tế, mà chưa được kiểm chứng hoặc lượng hóa bằng các dữ liệu khách quan. Việc đề xuất "đặc thù" cũng có thể nhằm mục tiêu nâng cao vị thế, vai trò của Thủ đô, hoặc đáp ứng các kỳ vọng đặc biệt của người dân đối với một đô thị lớn, trung tâm của cả nước. Nếu có các luận cứ, thì nên công khai. Nếu chưa có, thì cần tiến hành khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc, có cơ sở khoa học, dựa trên các số liệu tin cậy".

TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các yếu tố có thể làm luận cứ cho "tính đặc thù" của Hà Nội trong xử lý vi phạm giao thông, tuy chưa thấy luận cứ được công bố rộng rãi, nhưng chúng ta có thể suy luận về những yếu tố tiềm năng có thể biện minh cho sự cần thiết của quy định đặc thù ở Hà Nội: "Hà Nội là một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất cả nước, dẫn đến lượng phương tiện giao thông lớn trên một diện tích đường bộ hạn chế. Hà Nội có nhiều tuyến phố cổ, ngõ nhỏ, đường giao cắt phức tạp, khác biệt so với cấu trúc đường giao thông ở nhiều địa phương khác. Hà Nội có sự đa dạng về loại hình phương tiện tham gia giao thông, từ ô tô, xe máy, xe đạp, xe buýt đến các phương tiện thô sơ, xe công nghệ, tạo ra sự phức tạp trong tổ chức và quản lý giao thông. Hà Nội thường xuyên đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, đòi hỏi các giải pháp quản lý và chế tài mạnh mẽ hơn để duy trì trật tự và thông suốt.

Vị thế và vai trò của Thủ đô là trung tâm của cả nước, nơi tập trung các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn, thu hút lượng lớn người dân và phương tiện từ khắp nơi đổ về. Hà Nội là một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước, đòi hỏi môi trường giao thông văn minh, an toàn để tạo ấn tượng tốt đẹp. Hình ảnh giao thông của Thủ đô có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở Hà Nội có ý nghĩa quan trọng về mặt đối ngoại.

Đặc điểm vi phạm giao thông ở Hà Nội có thể khác biệt như có những loại hình vi phạm giao thông phổ biến hoặc nghiêm trọng hơn so với các địa phương khác (ví dụ: vi phạm làn đường, dừng đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ tại các nút giao đông đúc,...) đòi hỏi các chế tài phù hợp. Có thể có sự khác biệt về ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân ở Hà Nội so với các địa phương khác, do nhiều yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế,... Nhưng cần thấy là về cơ bản, ý thức và mức độ hiểu biết về luật lệ giao thông của người tham gia giao thông ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM thường tốt hơn các vùng khác.

Nội dung có thể được quy định "đặc thù" cho Hà Nội thực sự cần thiết có quy định đặc thù, thì nội dung có thể tập trung vào các khía cạnh như có thể xem xét nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính giao thông phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng ở Hà Nội, nhằm tăng tính răn đe.

Mới đây, UBND Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 giao cho HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố.

UBND Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

UBND Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Cũng theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, để có cơ sở triển khai thực hiện sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành thì Thành phố cần phải bổ sung quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 33 của Luật Thủ đô là rất cần thiết.

UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024, Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 07/8/2024, Quyết định số 4582/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô đến từng đơn vị sở, ban, ngành, trong đó có nội dung về xây dựng Nghị quyết nêu trên.

Về cơ sở chính trị, pháp lý, tờ trình dự thảo Nghị quyết cho biết căn cứ vào: Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020.

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020.

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 28/6/2024.

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024).

Các lỗi vi phạm sẽ bị tăng tối đa mức xử phạt gấp 2 lần so với Nghị định 168

Đáng chú ý, trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thành phố Hà Nội dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nếu thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ tháng 7/2025.

Một số lỗi vi phạm giao thông dự kiến sẽ bị tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần Nghị định 168

Một số lỗi vi phạm giao thông dự kiến sẽ bị tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần Nghị định 168

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-de-xuat-nang-muc-xu-phat-vi-pham-giao-thong-khong-du-tinh-thuyet-phuc-post1153323.vov