Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng

Ngày 23/9, theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (từ ngày 13 đến 19/9), toàn Thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 57 ca so với tuần trước.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc trong tuần như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29 ca); Hà Đông (22 ca); Cầu Giấy (20 ca); Chương Mỹ (17 ca); Thanh Xuân (13 ca)… Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong tuần trước đó (từ ngày 6/9 đến ngày 13/9), toàn Thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 37 ca so với tuần trước đó). Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vào thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng số ca mắc thường tăng lên vào mùa mưa.

Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết do thời tiết ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.

Hiện Hà Nội đã bắt đầu bước vào đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Dù sốt xuất huyết là dịch bệnh rất cũ nhưng lo ngại là mỗi đợt dịch lại có những khó khăn riêng. Một trong những khó khăn phải kể đến đó là khi nhiễm bệnh, người dân thường đến thẳng phòng khám hay bệnh viện tư, không vào bệnh viện công, không qua trạm y tế.

Điều đó dẫn đến không có đầy đủ thông tin, không thể giám sát được ca bệnh từ sớm và xử lý ổ dịch từ sớm. Trong khi nếu không xử lý ổ dịch từ 3 ngày đầu, để qua ngày thứ 5 thì nguy cơ sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì khả năng thành 20-30 bệnh nhân ngay sau đó là rất nhanh.

Về các dịch bệnh khác như tay chân miệng, sởi, ho gà, liên cầu lợn…, trong tuần trên địa bàn Thành phố tiếp tục ghi nhận một số ca lẻ tẻ. Cụ thể như, bệnh tay chân miệng ghi nhận thêm 45 trường hợp; sởi hai ca; ho gà ghi nhận 4 ca mắc.

Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận một trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn tại huyện Đan Phượng. Bệnh nhân nam (77 tuổi), tiền sử dịch tễ chưa rõ, khởi phát bệnh ngày 6/9, với triệu chứng sốt cao kèm đau mỏi người, ăn kém, nghe kém, sau đó xuất hiện ý thức lơ mơ, nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị; xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Thành phố có 9 ca mắc, trong đó có một ca tử vong.

Ngoài ra, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi trên địa bàn, vì vậy dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào ba tháng cuối năm 2024.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, cũng như của cả nước hiện nay, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại một số quận, huyện có số mắc cao thời gian qua. Đồng thời, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh dại tại huyện Thạch Thất.

Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.

Các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó);

Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt để xử lý kịp thời như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-dich-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-tang-d225656.html