Hà Nội: Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa 'cháy hàng' dịp nắng nóng
Thủ đô Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm cũng là lúc nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng cao. Vì vậy, đây là dịp mà các tiệm sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa đang tranh thủ 'hốt bạc.'
Những ngày này, nhiều cửa hàng, trung tâm sửa chữa điện lạnh hoạt động hết công suất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dùng.
Nhu cầu tăng chóng mặt
Mấy ngày nay, chiếc điều hòa của gia đình chị Diệp Anh ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bỗng “dở chứng.” Mặc dù đã chạy đến vài tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ thoang thoảng gió mát. Chị liên hệ tới hai cửa hàng sửa chữa điều hòa nhưng đều nhận được lời từ chối vì đều kín lịch.
“Gọi tới cửa hàng thứ ba tôi mới được chủ cửa hàng nhận lời nhưng cũng phải chờ đến chiều thợ mới có mặt,” chị Diệp Anh cho hay.
Trong những ngày Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang nắng nóng gay gắt, trường hợp như của chị Diệp Anh không phải là khó gặp. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại nhiều cửa hàng chuyên sửa chữa điều hòa, điện lạnh trên địa bàn Thủ đô đều đang đông khách. Nhiều người tìm đến các cửa hàng này chủ yếu sử để bảo dưỡng, sửa các lỗi điều hòa, một số thì lắp mới…
Ông Nguyễn Anh Đức, chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh tại 295 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết trong những ngày nắng nóng, mỗi ngày quán đều tiếp nhận từ 40-50 cuộc gọi từ khách hàng, nhân viên đều phải hoạt động hết công suất từ sáng đến tối vẫn chưa hết khách.
Theo ông Đức, khách thường gọi dịch vụ bảo dưỡng, vệ sinh máy lạnh. Giá bảo dưỡng điều hòa của cơ sở này hiện ở mức 150.000-170.000 đồng/máy, trong khi giá lắp đặt là 250.000 đồng/máy điều hòa. Nếu khách lắp vệ sinh 2 máy trở lên thì giảm còn 250.000 đồng/đôi và 400.000 đồng với việc lắp đặt.
“Khách chủ yếu đến đây để bảo dưỡng điều hòa. Sau một thời gian dài sử dụng, điều hòa không được vệ sinh, bảo dưỡng sẽ tích tụ bụi ở màng lọc không khí, quạt gió sẽ làm quạt không mát; hoặc tắc ống dẫn nước khiến rò rỉ nước ra bên ngoài… Thông thường tôi đến trực tiếp kiểm tra tình trạng máy xong mới báo giá cho khách,” ông Đức nói.
Tương tự, kỹ sư Duy Hải, chủ cơ sở sửa chữa điện lạnh Hải Hưng tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cho biết những ngày này anh và nhân viên cũng “luôn tay luôn chân,” chuyên tiếp nhận những ca “bệnh” do điều hòa hết gas hoặc một số lỗi phức tạp.
“Những chiếc điều hòa được đem đến cửa hàng của tôi thường có tuổi đời khá sâu, từ 8-10 năm hoặc hơn. Khi điều hòa sử dụng quá lâu mà không thường xuyên bảo dưỡng thường sẽ yếu hoặc hết gas khiến ống đồng bị đóng băng, rò rỉ nước, giá bơm gas dao động 150.000-700.000 đồng tùy loại. Những chiếc có bệnh tệ hơn sẽ mắc phải lỗi cảm biến, hệ thống máy nén, điều khiển... giá sửa sẽ từ 700 nghìn đến hơn 1 triệu đồng,” anh Hải chia sẻ.
Anh Hải chia sẻ thêm do lượng khách đặt sửa chữa, bảo dưỡng quá tải nên nhiều hôm tới 9 giờ tối anh và nhân viên mới hết việc, khách hẹn đã hẹn trước mà không kịp thì phải xin lùi sang hôm sau. Công việc ngày nắng nóng vất vả nhưng chỉ có mùa nắng nóng là kinh doanh tốt nên anh cũng chấp nhận.
Sử dụng điều hòa sao cho thông minh?
Những ngày trời nắng nóng thì điều hòa dường như đã trở thành vật bất ly thân của các gia đình. Nhiều nhà cài đặt điều hòa ở nhiệt độ thấp tối đa, mở 24/24h để giảm bớt cái nắng nóng nhưng đến cuối tháng lại “tá hỏa” với hóa đơn tiền điện tăng phi mã.
Để sử dụng điều hòa vừa tiết kiệm lại vẫn mát, kỹ sư Hải đã chia sẻ một số kinh nghiệm đáng lưu ý tới bạn đọc:
Dùng chế độ Cool thay vì chế độ Dry: Chế độ Cool có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn và duy trì nhiệt độ đó trong thời gian cho phép; trong khi đó chế độ Dry thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm.
Theo anh Hải, điều hòa cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, trong những ngày trên nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng và căn phòng nóng và khó chịu. Vì vậy, muốn căn phòng mát mẻ người dùng hãy cài đặt ở chế độ Cool để điều hòa làm việc hiệu quả nhất.
Cài đặt nhiệt độ thích hợp, không bật tắt nhiều: Nhiều người có thói quen khi mở điều hòa luôn cài đặt ở nhiệt độ thấp nhất để điều hòa làm mát căn phòng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt vì máy điều hòa phải làm việc hết công suất.
Để tiết kiệm điện khi sử dụng, hãy cài đặt điều hòa ở mức nhiệt 23-24 độ C khi khởi động, sau đó tăng dần lên 25-28 độ C và duy trì ở mức nhiệt độ này. Bởi ở mức nhiệt độ này phù hợp với khí hậu ở Việt Nam và tránh cho người dùng không bị sốc nhiệt khi đi ra hoặc vào phòng.
Tránh để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào phòng:Nên tránh sự trao đổi nhiệt với bên ngoài khi sử dụng điều hòa bởi ánh nắng mặt trời có thể làm nhiệt độ phòng tăng lên khiến điều hòa cũng sẽ phải hoạt động nhiều hơn để làm mát phòng. Ngược lại, việc che kín phòng bằng rèm cửa có thể ngăn ánh nắng, tránh nhiệt độ phòng tăng lên. Như vậy, căn phòng vẫn mát mẻ mà điều hòa sẽ không phải hoạt động liên tục và điện năng cũng không tiêu tốn quá nhiều.
Sử dụng kết hợp với quạt điện: Khi bật điều hòa nên sử dụng kết hợp với quạt điện để giúp không khí trong phòng được lưu thông tốt và mang lại cảm giác mát mẻ hơn. Bởi vì quạt điện tạo ra gió giúp tăng cường tác dụng đẩy luồng khí nóng lên trên, đưa luồng khí mát xuống bên dưới, tạo ra hiệu ứng gió mạnh, sẽ tạo cảm giác mát mẻ hơn. Ngoài ra, dùng quạt điện kết hợp còn giúp tiết kiệm điện hơn vì không phải cài đặt nhiệt độ điều hòa ở mức quá thấp./.