'Quê tôi Hải Dương, nhưng lấy tên Hải Phòng là hợp lý'

'Là người Hải Dương nhưng tôi thấy lấy tên Hải Phòng là hợp lý. Hải Dương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhưng Hải Phòng phát triển kinh tế nổi tiếng cả nước'.

Bình luận về phương án đặt tên dự kiến cho 34 tỉnh, thành sau sáp nhập vừa được Trung ương công bố, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc lấy tên một tỉnh, thành cũ trước sáp nhập để đặt tên cho tỉnh, thành mới là dựa trên những nguyên tắc đặt tên đã được đặt ra trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tỉnh, thành nào cũng có truyền thống văn hóa, lịch sử cả

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho hay, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc chọn tên tỉnh, thành sau sáp nhập: Một là lấy tên của một tỉnh, thành cũ; hai là lấy tên tỉnh của những lần sáp nhập trước kia; ba là lấy một tên mới hoàn toàn.

Phương án Trung ương chọn tên tỉnh, thành cũ để đặt cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, theo ông Dĩnh, vừa thể hiện đầy đủ ý nghĩa của việc hợp nhất, vừa cho thấy sự phát triển của địa phương.

Cùng với đó, việc chọn trung tâm hành chính mới dựa trên các nguyên tắc thuận lợi về giao thông, vị trí, sự liên kết với các địa phương khác trong vùng… Trung tâm hành chính mới không nhất thiết phải nằm ở tỉnh, thành được chọn lấy tên mới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Dĩnh cho rằng, nếu nói về lịch sử, văn hóa thì ở Việt Nam, tỉnh, thành nào cũng có truyền thống văn hóa, lịch sử cả.

Ví dụ như giữa Tuyên Quang và Hà Giang, không thể nói Tuyên Quang không có tiếng bằng Hà Giang khi mà Tuyên Quang từng là thủ đô kháng chiến, có cây đa Tân Trào, là nơi Bác Hồ từng làm việc…

Hà Giang thì nổi tiếng về du lịch với cao nguyên đá Đồng Văn, với công viên địa chất toàn cầu, với những mùa hoa tam giác mạch…

Giữa Thái Bình và Hưng Yên, cả hai đều đang phát triển những khu công nghiệp rất mạnh. Thái Bình cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, Hưng Yên có Phố Hiến… Hay như Quảng Trị và Quảng Bình cũng đều là những vùng đất lịch sử của đất nước, rất khó để so sánh.

Ông cho rằng, xét theo tâm lý của người dân, thường ai cũng muốn giữ lại cái tên của tỉnh mình, ai cũng cho là địa phương mình có nhiều cái hay, ai cũng có lý lẽ xác đáng.

“Không có tỉnh nào không có truyền thống văn hóa, lịch sử, dù là ở miền núi, trung du hay đồng bằng. Nhưng Ban chấp hành Trung ương chắc hẳn đều xem xét các yếu tố và lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thông qua đề xuất. Bây giờ đang lấy ý kiến từ nhân dân”.

Mỗi thời điểm lịch sử sẽ có những yêu cầu khác nhau

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Tiến Dĩnh, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, việc đặt tên tỉnh, thành sau sáp nhập dự kiến đã dựa vào các yếu tố lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của các địa phương.

“Bản thân tôi là người Hải Dương nhưng tôi thấy lấy tên Hải Phòng là hợp lý. Hải Dương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhưng Hải Phòng phát triển kinh tế nổi tiếng cả nước.

TP Hải Dương. Ảnh: Phạm Hải

TP Hải Dương. Ảnh: Phạm Hải

Ngày xưa chúng ta sáp nhập Hưng Yên, Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, nhưng 2 tỉnh này đều không có biển. Bây giờ, chúng ta sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình, Thái Bình có biển, như vậy sẽ tốt cho không gian phát triển chung”.

Ông Túc cho rằng, mỗi thời điểm lịch sử sẽ có những yêu cầu khác nhau. Nhiều người đề xuất lấy những cái tên cũ như Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên… để đặt tên cho những tỉnh, thành sau sáp nhập. Nhưng ông Túc cho rằng, bối cảnh kinh tế - xã hội bây giờ đã thay đổi nên việc thay đổi cách chọn tên cũng là hợp lý.

Ví dụ, giai đoạn 1975-1976, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình từng sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh. Bây giờ, 3 tỉnh này sau sáp nhập dự kiến lấy tên Ninh Bình.

“Nhiều người cho rằng, Nam Định mới là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa từ đầu thế kỷ 20. Nhưng đúng là Nam Định ngày xưa là trung tâm công nghiệp của toàn miền Bắc, bây giờ không còn được như vậy nữa. Trong khi Ninh Bình có di sản Tràng An, có chùa Bái Đính, có Hoa Lư - từng là kinh đô của đất nước… Vì thế, lấy tên mới là Ninh Bình, theo tôi, cũng là hợp lý”, ông Túc phân tích.

Theo dự thảo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, việc đặt tên tỉnh, thành mới sau sắp xếp được đề xuất đặt theo tên của một ĐVHC trước sắp xếp.

Bộ tiêu chí sắp xếp gồm 6 tiêu chí: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau.

Việc sắp xếp ĐVHC, sáp nhập tỉnh đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/que-toi-hai-duong-nhung-lay-ten-hai-phong-la-hop-ly-2391243.html