Hà Nội: Điểm mặt các công viên mãi vẫn 'nằm trên giấy'
Hàng loạt công viên lớn được quy hoạch kỳ vọng thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần phục vụ ngày một tốt nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm hiện các công viên này vẫn chưa được triển khai.
Dự án công viên Hello Kitty cạnh hồ Tây của Tập đoàn BRG nằm trong khu "đất vàng" ở quận Tây Hồ, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành dự án năm 2020. Tuy nhiên, sau 2 năm, vẫn chỉ có 2 màu của tấm rào xung quanh và màu xanh cỏ dại. Đây là một trong nhiều các dự án công viên, hồ điều hòa đã được quy hoạch trên địa bàn thành phố đang chờ được "thức tỉnh sau giấc ngủ dài".
KTS TRẦN HUY ÁNH, Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Lãng phí nguồn lực rất lớn, hơn nữa là thành phố mà phát triển bất động sản, trong khi đó các công viên không được chú ý đến như vậy, có thể nói thành phố của chúng ta đang phát triển không phải vì nâng cao chất lượng cuộc sống mà chỉ thuần túy phát triển bất động sản.”
Tại Hà Đông, dự án công viên thể thao cây xanh có diện tích gần 100ha thuộc địa bàn 2 phường Kiến Hưng và Hà Cầu được quy hoạch cách đây 20 năm nhưng do thiếu nhà đầu tư xây dựng nên để hoang hóa cho thuê đất làm nhà hàng, kho xưởng, bến bãi, gara sửa xe, chợ dân sinh... Thoạt nhìn, thật khó để biết đây là đất công viên.
Trong 20 năm qua, Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa. Tuy nhiên, với nhiều lý do như điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn lực đầu tư, nhiều dự án chỉ nằm trên giấy.
GS ĐẶNG HÙNG VÕ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Các quy hoạch đưa vào thực hiện thì người ta lại tìm cách thu hẹp nó lại, lấy lý do này hay lý do khác. Người cao nhất của Hà Nội lại ủng hộ việc điều chỉnh, thu hẹp không gian công cộng mà đáng ra chúng ta phải có đủ theo tiêu chuẩn quy hoạch”.
Công viên Kim Quy nằm tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Dự án quy mô hơn 100 ha, kỳ vọng sẽ là dự án ấn tượng nhất trong hệ thống các công viên Sun World của Tập đoàn Sun Group. Khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn là khu đất trống rộng thênh thang.
KTS TRẦN HUY ÁNH, Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Để đất lãng phí đương nhiên phải thu hồi để giao cho các chủ đầu tư khác để họ thực hiện việc đầu tư đúng với bản quy hoạch. Những đơn vị nhận đất để làm công viên đó có trách nhiệm tài chính vì thực ra các chủ đầu tư đang tồn tại” .
Thành phố Hà Nội hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cá nhân buộc hệ thống giao thông được nới rộng. Trong khi đó, nhiều không gian xanh ngủ quên chưa hẹn ngày thức giấc dẫn đến cuộc sống của người dân đô thị ngày càng bức bối, ngột ngạt.
Thực hiện : Hoàng Tùng Minh Chiến Đức Minh
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ha-noi-diem-mat-cac-cong-vien-mai-van-nam-tren-giay