Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch cấp nước để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân
Hiện còn khoảng hơn 2 triệu dân khu vực ngoại thành Hà Nội chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch đô thị. Thực tế, xã hội phát triển cũng như nguồn nước ngầm đang ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt thì cần sự điều chỉnh quy hoạch cấp nước để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hệ thống cấp nước sạch đã đến từng hộ dân tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, cách khoảng 100m, bước sang cổng làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, thì vẫn chưa có nước sạch. Người dân nơi đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, ngoài lọc bằng bể lọc cát thì những chiếc máy lọc là nguồn sống của gia đình. Thế nhưng cứ khoảng hai tháng là lõi lọc lại bám cặn bẩn.
Còn nếu mua nước tại trạm cấp nước giếng khoan có chất lượng tốt nhất của xã Duyên Thái, người dân phải trả 7.000đ cho 1 bình 20 lít. Nếu mua 1 khối nước, người dân ở đây đang phải trả 350.000đ, gấp khoảng 50 lần giá nước sạch tại nội thành.
“Duyên Thái là xã nằm ở phía Bắc Thường Tín, giáp ranh với huyện Thanh Trì, gần nhất là giáp ranh với xã Đông Mỹ và xã Liên Ninh. Đối với các địa bàn trên huyện Thanh Trì đã có nước sạch, tuy nhiên địa bàn xã Duyên Thái chưa được sử dụng nước sạch. Rất mong muốn các cấp các ngành sớm triển khai thực hiện việc nâng cấp nước sạch đối với địa bàn Thường Tín trong đó có xã Duyên Thái” - ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái cho biết.
"Trong khi chất lượng nước giếng khoan không đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế, theo kết quả khảo sát ở khu Xuân Trường, cụm 2, xóm Bến Ngoài, nồng độ asen vượt 330% so với nồng độ cho phép", ông Nguyễn Tiến Hòa, trạm y tế xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho hay.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, theo quy hoạch cấp nước Hà Nội số 499 năm 2013, Thanh Trì dù là huyện ngoại thành nhưng lại được xác định là vùng ven nội thành nên được sử dụng chung hệ thống cấp nước đô thị. Còn Thường Tín theo quy hoạch chỉ được sử dụng nước từ các trạm cấp nước nông thôn và nguồn nước do người dân tự khai thác.
Thời điểm đó, đây là quy hoạch phù hợp để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân về nguồn nước sinh hoạt đang rất thiếu. Nhưng nay, khi xã hội phát triển cũng như nguồn nước ngầm đang ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt thì cần sự điều chỉnh quy hoạch cấp nước để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiện còn khoảng hơn 2 triệu dân khu vực ngoại thành chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch đô thị. Cả phường Phú La, quận Hà Đông và phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm do Nhà máy nước sạch Hà Đông và Pháp Vân cung cấp.
Theo ông Lê Văn Du - Phó phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi triển khai thực hiện Quy hoạch cấp nước năm 2013, TP. Hà Nội đã nhận thấy có một số khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Đô thị thì sử dụng tiêu chuẩn 01 và khu vực nông thôn được sử dụng tiêu chuẩn 02. Một số công trình cấp nước theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 499 triển khai chậm so với tiến độ đề ra.
"Hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bộ Xây dựng đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về một số nội dung do TP. Hà Nội đề xuất trước khi trình Thủ tướng phê duyệt", đại diện Sở Xây dựng cho hay.