Hà Nội: Doanh nghiệp kêu cứu vì khó khăn trong thực hiện dự án
Đã hoàn thiện đền bù, giải phóng mặt bằng 25 hộ dân theo phương án của UBND quận Cầu Giấy thế nhưng đến nay Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm vẫn chưa triển khai được dự án khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng 'khóc dở mếu dở'.
Đền bù xong vẫn không thực hiện được dự án
Ngày 15/10/2002, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7019/QĐ-UBND, quyết định về việc thu hồi 216.110m2 tại phường Dịch Vọng và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy do UBND các phường quản lý; Tạm giao diện tích đất thu hồi cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Từ Liêm (nay là Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm) để điều tra, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện Dự án Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Dịch Vọng (KĐTM Dịch Vọng).
Năm 2003, UBND quận Cầu Giấy đã lập phương án tổng hợp bồi thường thiệt hại về đất nông nghiệp, cây cối hoa màu, công trình của các hộ gia đình, tổ chức phải di chuyển giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án KĐTM Dịch Vọng (đợt 1), phường Yên Hòa. Theo phương án, có 25 hộ gia đình với tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng đợt 1 là 21.642,2m2, tổng giá trị phương án bồi thường hỗ trợ đợt 1 là 3.838.933.400 đồng.
Ngày 24/5/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3213/QĐ-UB, thu hồi 216.100m2 đất do UBND phường quản lý, sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp và giao cho Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm để đầu tư xây dựng KĐTM Dịch Vọng, dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 2738/QĐ-UB ngày 19/5/2003.
Sau khi dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, ban hành quyết định thu hồi đất, Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đã phối hợp cùng UBND quận Cầu Giấy và chính quyền địa phương thực hiện bồi thường theo đúng phương án được phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Dân – Đại diện Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm cho biết, có 25 hộ thuộc diện giải tỏa, bồi thường, phía chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường cho 24 hộ, còn hộ ông Nguyễn Văn Liên có 2.166m2 đất nhưng không chịu nhận bồi thường, sau nhiều lần thuyết phục, vận động thì đến ngày 05/08/2020, hộ ông Liên đã nhận bồi thường và ký biên bản bàn giao mặt bằng;
Đến thời điểm ông Liên ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù là công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, thế nhưng lại gặp khó khăn bởi một số hộ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy tờ tay từ ông Liên, không có số lô, số thửa, không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận gây khó khăn trong việc triển khai dự án.
Bà Dân cho biết thêm, ông Nguyễn Đức Thành – người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của ông Liên đã dựng một số căn nhà tạm trên đất nông nghiệp, sinh sống trên đó và sau nhiều lần chủ đầu tư gặp gỡ, thuyết phục nhưng ông Thành vẫn không chấp nhận, đòi giá đền bù cao trong khi hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất thì không có.
“Hộ ông Thành mua bán giấy tay không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, dựng nhà trên đất nông nghiệp, trên đất đã có quyết định thu hồi của UBND TP Hà Nội, không đủ điều kiện được đền bù nhưng công ty vẫn vận động, thương lượng nhưng ông Thành không hợp tác, đưa ra yêu cầu “trên trời”, gây khó khăn cho công ty. Hơn nữa, một số thông tin trên một số tờ báo đưa tin không đúng sự thật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp của chúng tôi và chúng tôi cũng đã có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc này”, bà Dân nói.
Chuyển nhượng bằng giấy viết tay không có giá trị pháp lý
Nhằm làm rõ về vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy để xác minh thông tin. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Anh – Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, theo đúng như Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm phản ánh, dự án KĐTM Dịch Vọng có quyết định thu hồi đất từ năm 2004, có 25 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Đất ở đây là đất nông nghiệp cá thể, phường quản lý và giao cho các hộ gia đình, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Liên được giao 2.166m2.
Theo tài liệu, ngày 20/6/2017, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cầu Giấy xác nhận cho ông Nguyễn Đức Thành và bà Đỗ Kim Loan với nội dung đăng ký thửa đất không có số, không có tờ bản đồ, với diện tích 300m2, sử dụng vào mục đích đất ở. Đáng chú ý, là giấy xác nhận này ghi ông Thành nhận chuyển nhượng giấy viết tay 417.7m2 ngày 20/12/2012 từ ông Liên và vợ là bà Nguyễn Thị Thủy. Trong khi đó toàn bộ diện tích đất của ông Liên đã có quyết định thu hồi của UBND TP Hà Nội từ năm 2004, nằm trong dự án KĐTM Dịch Vọng, thế nhưng không hiểu vì sao Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cầu Giấy vẫn thực hiện xác nhận?
Về vấn đề chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy tay giữa ông Liên và ông Thành, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa khẳng định việc chuyển nhượng này không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, không có giá trị pháp lý. Nói về việc hộ ông Thành dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp, ông Đỗ Ngọc Anh cho hay: “Việc dựng nhà tạm là không đúng quy định của pháp luật, năm 2019 UBND phường đã cưỡng chế nhiều công trình vi phạm tại khu vực này. Ông Thành không có hộ khẩu ở địa phương, tạm trú đã hết hạn, địa chỉ nhà không có, địa chỉ trong đơn thư gửi đi là do ông Thành tự đánh số, ông Thành không đủ điều kiện được đền bù theo quy định của pháp luật”.
Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết thêm, ông Thành có đơn thư gửi và UBND phường cũng đã nhiều lần mời lên phường làm việc. Trong các lần làm việc, ông Thành không cung cấp hồ sơ tài liệu, pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất. Gần đây nhất ngày 01/12/2020, khi UBND phường Yên Hòa cùng các đơn vị có liên quan làm việc cùng ông Thành thì ông Thành cũng không cung cấp được hồ sơ pháp lý có liên quan. Trong buổi làm việc, ông Thành cho rằng năm 2001 có nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của ông Liên nhưng không rõ diện tích, không ghi số thửa cũng như không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cũng đã cung cấp sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp (sổ bộ) của phường Yên Hòa năm 2000, theo sổ bộ này ghi nhận hộ gia đình ông Liên có 2.166m2 đất nông nghiệp và không có tên hộ ông Nguyễn Đức Thành.
Về ý kiến cho rằng ông Thành sử dụng đất, đã nộp thuế sử dụng đất Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho hay, việc nộp thuế sử dụng đất không phải là căn cứ chứng minh về pháp lý quyền sử dụng đất, các giao dịch đất nông nghiệp là trái quy định của pháp luật, việc giải phóng mặt bằng, đền bù thực hiện theo hồ sơ địa chính, hồ sơ lưu trữ quản lý của cơ quan nhà nước.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, khu vực này tồn tại một số căn nhà được xây dựng trên phần đất của dự án, đã có quyết định thu hồi của UBND TP Hà Nội. Tại đây, Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đã niêm yết thông báo về việc di chuyển tài sản, tháo dỡ tài sản để công ty thực hiện dự án.
Xâu chuỗi sự việc cho thấy, Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đã thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án tới nay đã 16 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng nhưng chưa thể triển khai dự án đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn lại gặp dịch bệnh Covid-19, chúng tôi mong muốn UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa cùng các cơ quan vào cuộc giúp đỡ chúng tôi để sớm triển khai dự án”, bà Nguyễn Thị Dân nói.
Trước nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, UBND quận Cầu Giấy cùng các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tháo gỡ triệt để những vướng mắc nhằm giúp doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án.