Hà Nội đối mặt với ô nhiễm không khí, còn ở Đà Nẵng ra sao?
Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa cho biết, chất lượng môi trường không khí tại Đà Nẵng luôn ở dưới ngưỡng trung bình, thậm chí chỉ số bụi ở nơi 'bẩn nhất' cũng ở mức xấp xỉ quy chuẩn cho phép từ 0,03 - 0,43 lần.
Cụ thể, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, theo số liệu quan trắc tự động từ năm 2012 đến nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI- Air Quality Index) tại Trạm quan trắc tự động đặt ở ngã tư Lê Duẩn - Lê Lợi (trung tâm TP Đà Nẵng) luôn nhỏ hơn 100 (ngưỡng trung bình), chỉ số AQI tại trạm này chỉ ở mức từ 57 - 64.
Ngoài ra, số liệu quan trắc tại 54 điểm quan trắc trên toàn TP cho chỉ số AQI trung bình cũng luôn dao động ở mức 70-80, thấp hơn ngưỡng trung bình của chỉ số AQI.
Ông Huỳnh Tấn Quang – Chánh VP Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, các thông số quan trắc gồm: bụi PM10, SO2, NO2, O3 tại tất cả các vị trí quan trắc này đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Riêng thông số bụi tổng số (TPS) ở hầu hết các vị trí quan trắc có hàm lượng bụi nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn. Ngoại trừ một số vị trí quan trắc vào một số thời điểm tại khu vực giao thông như: đường Lê Trọng Tấn trước mỏ đá Phước Tường, trước Công ty Xi măng Cosevco 19, đường vào mỏ đá Hòa Nhơn, nghĩa trang Hòa Khương và giữa làng đá mỹ nghệ Non Nước ở mức xấp xỉ quy chuẩn cho phép từ 0,03 ÷ 0,43 lần.
Chánh VP Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng cho biết, để cải thiện tốt hơn chất lượng môi trường không khí của Đà Nẵng, UBND TP đã ban hành đề án phối hợp thực hiện đối với các cơ quan, ban ngành TP như: Kiểm soát, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường không khí; giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải; triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu; trồng rừng, trồng cây xanh, xã hội hóa công tác trông cây xanh,...
Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các giải pháp liên quan đến môi trường không khí và giao cho các sở, ngành thực hiện như: Quy hoạch cây xanh đường phố, quy hoạch phát triển giao thông vận tải; quy hoạch phố chuyên doanh, dần tách sản xuất kinh doanh, dịch vụ ra khỏi khu dân cư; tăng cường các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải; xây dựng các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;… nhằm đảm bảo thực hiện thành công định hướng phát triển TP môi trường, bền vững.