Hà Nội: Đối thoại về Đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động
Ngày 22/3, báo Lao động Thủ Đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động'.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại chương trình là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, công đoàn.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách gắn bó chặt chẽ, liên quan thiết thực tới người lao động.
Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật đến cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm cần thiết.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, khi các cấp Công đoàn đang tập trung tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028, việc nắm rõ các quy định, quy trình, cách thức tổ chức Đại hội như thế nào để đảm bảo Đại hội được tổ chức thành công, dân chủ, rộng rãi được các cán bộ, đoàn viên công đoàn, cán bộ nhân viên lao động quan tâm.
"Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến lần này là cơ hội để các cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động có thể cập nhật, trang bị những kiến thức cần thiết cho bản thân trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động.
Chúng tôi đề nghị người lao động tham gia buổi giao lưu hôm nay sẽ mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia của chúng tôi để có được những câu trả lời thỏa đáng", Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho biết: Để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, trong những năm qua, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, công đoàn ngành đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.
Hằng năm, công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội); Công ty Luật GATACA tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động... đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đối với người lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động.
"Chương trình đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quy định, quy trình, cách thức tổ chức đại hội Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động hiện nay", Chủ tịch Nguyễn Xuân Hoản thông tin.
Buổi đối thoại nhận được nhiều câu hỏi từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Hà Nội. Ảnh: Đắc Quang
Tại buổi đối thoại, giao lưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Hà Nội đã tham gia đặt câu hỏi và nhận được giải đáp từ các chuyên gia xoay quanh chủ đề chương trình, như: chế độ của người lao động trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền lợi cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; quy định với người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam,…