Hà Nội dồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Lũ trên các sông nội địa thành phố Hà Nội tiếp tục rút, làm giảm số hộ dân bị ngập lụt. Huyện Chương Mỹ tổng lực vệ sinh môi trường, kiểm tra công trình, chuẩn bị khôi phục sản xuất.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, do hồ thủy điện xả lũ nên mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống tiếp tục lên, nhưng thấp hơn nhiều so với mức báo động lũ cấp I. Lũ trên các sông nội địa thành phố, như: Tích, Bùi, Cầu tiếp tục xuống.

Chiều 4-8, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn còn 4 khu dân cư bị nước lũ cô lập. Ảnh Bảo Châu

Chiều 4-8, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn còn 4 khu dân cư bị nước lũ cô lập. Ảnh Bảo Châu

Hiện, mực nước trên sông Bùi, đoạn ở huyện Chương Mỹ, dao động mức báo động lũ cấp I. Trên sông Tích, đoạn huyện Thạch Thất, dao động mức báo động lũ cấp II; đoạn huyện Quốc Oai, dao động mức báo động lũ cấp II. Sông Cầu, đoạn huyện Sóc Sơn đã xuống dưới mức báo động lũ cấp I.

Do lũ xuống nên mức độ ngập lụt tại nhiều thôn, xóm thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai đã giảm. Tính đến sáng nay, huyện Chương Mỹ còn 11 xóm, thôn bị lũ cô lập, ảnh hưởng 546 hộ dân, 3.337 người cần cứu trợ và 1.367 người đang phải sơ tán; giảm 1 khu dân cư, 182 hộ dân và 917 người cần hỗ trợ so với ngày 3-8. Còn huyện Quốc Oai, hiện chỉ còn một thôn bị nước lũ cô lập, ảnh hưởng 145 hộ dân.

Công an huyện Chương Mỹ hỗ trợ xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Công an huyện Chương Mỹ hỗ trợ xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Về sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ còn 576ha bị úng ngập, huyện Quốc Oai 145ha, huyện Thạch Thất 34ha, huyện Phúc Thọ 7ha… Hiện, các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội đang vận hành 34 trạm bơm tiêu với 108 tổ máy, tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng 308.000m3/h.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ hỗ trợ xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ hỗ trợ xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Tận dụng thời tiết nắng, lũ xuống, ngày 4-8, các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thanh niên tình nguyện, nhân dân tổng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải... Người dân thoát ngập trở về dọn vệ sinh nhà ở, sân vườn, hong khô vật dụng sinh hoạt…

Là địa phương lũ rút chậm nhất, hôm nay, huyện Chương Mỹ đã huy động 220 cán bộ, chiến sĩ và 12 phương tiện thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường Sĩ quan đặc công, Ban Chỉ huy quân sự huyện và Công an huyện hỗ trợ cán bộ, nhân dân xã Nam Phương Tiến tổng vệ sinh các trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị, trục giao thông đã cạn nước…

Học viên Trường Sĩ quan đặc công hỗ trợ huyện Chương Mỹ vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Học viên Trường Sĩ quan đặc công hỗ trợ huyện Chương Mỹ vệ sinh môi trường sau lũ. Ảnh: Bảo Châu

Thực hiện phương châm “lũ rút tới đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, ngày 4-8, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) cũng đã huy động hơn 100 đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, người dân tham gia quét dọn, thu gom rác thải đến nơi tập kết tập trung. Doanh nghiệp môi trường bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển rác thải đến nơi xử lý…

Người dân xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) tổng vệ sinh môi trường sau khi lũ rút. Ảnh: Bảo Châu

Người dân xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) tổng vệ sinh môi trường sau khi lũ rút. Ảnh: Bảo Châu

Cùng với việc trên, các xã vùng úng ngập của huyện Chương Mỹ tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm; rà soát, cấp bổ sung nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân còn úng ngập, hộ có hoàn cảnh khó khăn sau lũ lụt…

Các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục đến thăm hỏi, tặng quà động viên những gia đình ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) sáng nay. Ảnh: Bảo Châu

Các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục đến thăm hỏi, tặng quà động viên những gia đình ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) sáng nay. Ảnh: Bảo Châu

Ngoài dồn lực bảo đảm đời sống người dân, các xã, thị trấn, cơ quan chức năng của các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… đang tập trung kiểm tra, đánh giá sự cố đê điều, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nhà ở… làm cơ sở bố trí kinh phí sửa chữa, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất…

Dù chưa đến thời gian hoàn thành, nhưng chủ đầu tư dự án linh hoạt tạm giao Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành Trạm bơm tiêu Nhân Lý để tiêu thoát nhanh úng ngập khu dân cư, đồng ruộng của xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Bảo Châu

Dù chưa đến thời gian hoàn thành, nhưng chủ đầu tư dự án linh hoạt tạm giao Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành Trạm bơm tiêu Nhân Lý để tiêu thoát nhanh úng ngập khu dân cư, đồng ruộng của xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Bảo Châu

Làm trưởng đoàn kiểm tra một số công trình thủy lợi, tình hình ngập úng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, huyện có khả năng mất trắng khoảng 130ha lúa mùa. Do không còn trong thời vụ gieo cấy lúa tốt nhất nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vùng úng ngập khi lũ rút hoàn toàn sẽ vận động nông dân trồng các loại rau màu và cây vụ đông sớm, như: Dưa chuột, cà chua, rau các loại…

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-don-luc-khac-phuc-hau-qua-lu-lut-673873.html