Hà Nội: Dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân còn vướng mắc gì?
Đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cải tạo, mở rộng được hơn một nửa từ năm 2003, đoạn còn lại chỉ dài 750m nhưng nhiều năm nay chưa thể hoàn thiện...
Điểm nghẽn "treo" 20 năm
Khu vực Nguyễn Tuân- Nguyễn Huy Tưởng- Vũ Trọng Phụng… trên địa bàn quận Thanh Xuân là nơi có mật độ các tòa nhà cao tầng dày đặc bậc nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Cũng bởi vậy, áp lực giao thông ở khu vực này là rất lớn, đặc biệt khi các tuyến đường này đều là đường nhánh kết nối trục Nguyễn Trãi- Lê Văn Lương, các trục đường chính có lưu lượng phương tiện đông đúc vào bậc nhất nhì TP Hà Nội.
Chính vì vậy, việc cải tạo, mở rộng các tuyến đường nhánh góp phần giảm tải giao thông, xóa điểm đen ùn tắc là rất cần thiết. Đơn cử, đường Vũ Trọng Phụng sau nhiều năm ì ạch vừa qua đã được hoàn thiện mở rộng, giao thông thông thoáng rõ nét.
Dù vậy, đường Nguyễn Tuân đến nay vẫn còn đoạn thắt cổ chai dài khoảng 720m, tạo thành một điểm nghẽn về giao thông khi lưu lượng ra- vào đường Nguyễn Trãi qua Nguyễn Tuân rất lớn. Trong khi đó, đoạn còn lại đã được hoàn thành mở rộng từ năm 2003.
Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Đinh Văn Hải nhận định, trên địa bàn quận hiện có hai trục giao thông hướng tâm trọng yếu, tầm ảnh hưởng lan tỏa tới các quận lân cận là đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương.
Cả hai tuyến trục chính này đã được TP đầu tư khá hoàn chỉnh, bài bản. Các nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương – Vành đai 3 đều đã được đầu tư là nút giao thông đa tầng.
Tuy nhiên, một số tuyến đường ngang kết nối hai trục chính nói trên lại chưa được đầu tư đồng bộ, làm hạn chế khả năng lưu thông toàn khu vực. Đơn cử như đường Nguyễn Tuân, nối từ Nguyễn Trãi sang Lê Văn Lương, mới được đầu tư mở rộng một đoạn từ năm 2003.
Hiện nay, còn 720m đang là điểm tắc nghẽn cục bộ, đặc biệt đoạn từ ngõ 162 Nguyễn Tuân - Nguyễn Huy Tưởng; đoạn từ Nguyễn Trãi - Nguyễn Huy Tưởng cũng chưa hoàn thiện, gây ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm.
Sau khi hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện đổ dồn vào khu vực đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân và ngày một gia tăng mạnh hơn. Chuyên gia giao thông thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển nhận định: “Nếu không gỡ nút thắt đường Nguyễn Tuân, ùn tắc giao thông sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn không chỉ trên tuyến này mà còn lan rộng ra cả hai trục chính Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương”.
Ông Đinh Văn Hải cho biết, việc hoàn thiện dự án cải tạo mở rộng đường Nguyễn Tuân đã trì hoãn nhiều năm qua, đến nay trở nên rất cấp bách. “Ban đã xin chủ trương, lập dự án để thực hiện việc mở rộng, cải tạo nhằm tăng cường lưu thông cho các trục giao thông ngang, trong đó có đường Nguyễn Tuân” - ông Hải cho hay.
Khó khăn muôn thuở là... mặt bằng phức tạp
Theo nghiên cứu khả thi ban đầu, dự án cải tạo mở rộng Nguyễn Tuân có chiều dài 720m, mặt cắt ngang 21m, trong đó lòng đường 15m, hai bên vỉa hè 3m. Để phục vụ thi công, sẽ phải thu hồi đất 14.300m2 đất của 160 hộ dân và 11 tổ chức đang sử dụng. Đây có thể nói là khâu khó khăn, phức tạp nhất của dự án.
Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung -Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, hiện cả 11 tổ chức thuộc diện GPMB phục vụ dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân đã bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, công tác GPMB đối với 160 hộ gia đình vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể, hiện đã phê duyệt 121 phương án bồi thường, hỗ trợ; còn 39 hộ chưa thể phê duyệt phương án GPMB.
Trong 121 hộ đã phê duyệt phương án, mới có 64 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Khó khăn chính nằm ở một số hộ gia đình có nguồn gốc đất là đất lưu không hoặc chưa xác định được nguồn gốc đất.
Một số hộ dân được Công ty Thủy tinh và Viện công nghệ xạ hiếm tạm giao đất để sử dụng từ nhiều năm trước. Tại các quyết định giao đất cũng ghi rõ đây là phần đất lưu không và khi nào Nhà nước thu hồi sẽ không được đền bù.
Nhưng quá trình triển khai GPMB, nhiều hộ dân vẫn không đồng thuận, có đơn thư đơn thư kiến nghị, khiếu nại. Ông Đinh Văn Hải chia sẻ: “Nguyên nhân chính của những khó khăn, vướng mắc này là do công tác quản lý đất đai, tình trạng cư trú của công dân giai đoạn trước đây chưa được chặt chẽ, hồ sơ lưu trữ cũng không đầy đủ”.
Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng, chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB hiện nay vẫn còn bất cập, đơn giá đền bù thấp hơn so với giá thực tế trên thị trường. Đối với 22 trường hợp không xác định được nguồn gốc sử dụng đất tại dự án đường Nguyễn Tuân, chính sách đền bù và hỗ trợ rất thấp.
“Vì vậy, người dân không đồng tình với phương án dự thảo của Hội đồng đền bù GPMB quận đưa ra. Chúng tôi cũng đã đề xuất với các sở, ngành của TP để có các chính sách đặc thù đảm bảo quyền lợi cho người dân” - ông Hải thông tin.
Liên quan đến một số trường hợp không thuộc diện được đền bù, ông Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, UBND TP đã có văn bản trả lời, chấp thuận cho đền bù bằng 30% giá trị đất ở theo khung giá TP. UBND phường, quận đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, bàn giao mặt bằng sớm để triển khai dự án.
Chuyên giao thông đô thị, Thạc sỹ Nguyễn Đình Chiển cho rằng: “Quận nên nỗ lực tìm giải pháp hài hòa, đảm bảo công tác GPMB, đồng thời chia sẻ với khó khăn của người dân. UBND TP Hà Nội cũng cần quan tâm, hỗ trợ tối đa cho UBND quận Thanh Xuân trong quá trình GPMB để thúc đẩy dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội”.