Hà Nội dự kiến đầu tư khẩn cấp 550 tỷ đồng bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch
Theo Văn bản số 4287/UBND-ĐT ngày 19-12-2024, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch với tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.
Văn bản nêu rõ, sau khi dự án Nhà máy xử lý nước thái Yên Xá đi vào hoạt động (từ ngày 1-12-2024, dự kiến hoàn thành toàn bộ hệ thống năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch đã được thu gom dẫn đến sông Tô Lịch sẽ bị cạn. Đồng thời việc đầu tư trạm bơm Liên Mạc, hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3 (về nhà máy xử lý nước thải Phủ Đô), hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến tiến độ hoàn thành giai đoạn 2027-2030).
Vì vậy, dự báo đến hết nhiệm kỳ 2026-2030, chưa thể hoàn thành việc bố cập nước sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch để bảo đảm cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách của thành phố Hà Nội.
Thời gian tới, sông Tô Lịch vào mùa khô sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm cảnh quan đô thị. Để triển khai một dự án cấp nước bổ cập nước nhanh, kịp thời cho sông Tô Lịch hiện nay với tính khả thi cao, phù hợp điều kiện thực tế của Hà Nội, cần thiết phải triển khai theo phương án xây dựng công trình khẩn cấp.
Căn cứ quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, việc quyết định xây dựng công trình khẩn cấp để "thực hiện nhanh, kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật” thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường (tổng mức đầu tư khái toán khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội). UBND thành phố cam kết hoàn thành trước tháng 9-2025.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho UBND thành phố Hà Nội sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, bảo đảm mục tiêu, tiến độ dự án.