Hà Nội đưa ra 2 phương án xử lý vụ Bắc Hà bỏ hàng loạt tuyến buýt
Hà Nội đã đưa ra phương án xử lý vụ việc doanh nghiệp Bắc Hà bỏ hàng loạt tuyến buýt nhằm duy trì vận hành tuyến, không gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và đưa ra phương án xử lý về việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt có trợ giá (từ số 41 đến 45).
Chỉ định thầu đơn vị buýt khác thay thế
Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của Công ty Bắc Hà, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng-Tramoc (đơn vị ký kết hợp đồng) làm việc trực tiếp của Công ty Bắc Hà để rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan cũng như đề xuất giải pháp xử lý.
Biên bản làm việc ngày 5/7 vừa qua giữa Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Tramoc) và Công ty Bắc Hà cũng đã đi đến kết luận, thống nhất việc thanh toán, tạm ứng của Tramoc (Bên A) cho Công ty Bắc Hà (Bên B) đối với 5 tuyến buýt đã được thực hiện tuân thủ theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Nhấn mạnh việc Công ty Bắc Hà dừng hoạt động 5 tuyến buýt là do doanh nghiệp không còn năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện và đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong khi thời gian hợp đồng còn hiệu lực là vi phạm hợp đồng đã ký, trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất 2 phương án xử lý vụ Bắc Hà bỏ hàng loạt tuyến buýt.
Cụ thể, phương án 1: Chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đông trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).
Phương án này có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế.
Nhược điểm của phương án này là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.
Phương án 2: Chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị phương tiện, nhân sự, các điều kiện để đáp ứng gói thầu.
Tuy nhiên, phương án này có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6-9 tháng) dẫn đến việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Mặt khác, hành khách đi lại thường xuyên trên các tuyến cũ sẽ phải chuyển từ 2-3 chuyến, thời gian di chuyển sẽ phải kéo dài (có thể hành khách sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện cá nhân). Vì vậy, cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh các tuyến buýt khác hỗ trợ cho 5 tuyến buýt trong thời gian tạm ngừng hoạt động, việc điều chỉnh các tuyến buýt hỗ trợ cũng sẽ phát sinh thêm chi phí, gây xáo trộn luồng tuyến.
Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án trên, Sở Giao thông Vận tải nhận thấy phương án 1 là phương án có nhiều lợi thế, ưu điểm để triển khai thực hiện và nên xem xét, lựa chọn phương án này bởi thành phố đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nên việc lựa chọn một số đơn vị có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại là rất thuận lợi và có tính khả thi cao.
Không có "cửa" cho xe buýt điện hay CNG thay thế
Ông Phan Lê Bình, chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ủng hộ phương án 1 của Sở Giao thông Vận tải đưa ra do việc đi lại của hành khách sẽ không bị ảnh hưởng, gián đoạn. Hơn 200 cán bộ, công nhân viên đang làm việc cho Công ty Bắc Hà sẽ không bị mất việc làm. Đơn vị mới vào quản lý, khai thác sẽ tận dụng số lao động này luôn để khai thác có hiệu quả loạt tuyến.
Tuy nhiên, ông Bình cũng khuyến cáo trong việc lựa chọn đơn vị khai thác Hà Nội cũng cần tính toán kỹ. Doanh nghiệp đó phải là đơn vị có năng lực tài chính đủ mạnh, kinh nghiệm khai khác về loại hình đủ bề dày, tránh lặp lại một Bắc Hà thứ hai.
Cũng lựa chọn phương án 1, theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA), qua rà soát năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ bằng xe buýt hiện nay cho thấy, Tổng công ty Vận tải Hà Nội là đơn vị có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể đáp ứng được các yêu cầu khi chỉ định thầu.
Đặt vấn đề đến các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch và chất lượng dịch vụ cao như Vinbus hoặc Bảo Yến liệu có thể sẽ được lựa chọn? phía Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hiện việc đặt hàng các tuyến buýt điện trên địa bàn thành phố được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện thí điểm trong thời gian một năm.
Với thời gian như vậy, các doanh nghiệp này không thể giải quyết được hết toàn bộ thời gian cần thực hiện còn lại của các tuyến sau khi dừng theo hợp đồng.
Mặt khác, đại diện Sở Giao thông Vận tải thừa nhận việc sản xuất huy động cho khoảng 57 xe buýt điện khó đạt được về mặt thời gian để có thể đưa vào khai thác vận hành theo phương án vận hành (nếu có).
Đối với xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), thành phố phải thực hiện hình thức đấu thầu vì định mức, đơn giá CNG hay xe buýt điện khác với 5 tuyến buýt mà Bắc Hà đang vận hành (xe chạy dầu diezel)./.