Hà Nội - Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại; hội chợ; triển lãm; kết nối giao thương,… ngày càng khẳng định vai trò là 'bà đỡ' trong hỗ trợ, xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Kỳ 1: Hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm

Thành phố Hà Nội đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước, là địa phương dẫn đầu về triển khai Chương trình OCOP.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn;...

Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình, Thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.

Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.

Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Thành phố đã khai trương và đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên Thế giới.

Từ những nỗ lực trên, Chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã được phát huy rất tốt, bảo đảm tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được bảo đảm. Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của Hà Nội được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm OCOP của Hà Nội được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hằng năm Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương.

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bầy hàng hóa tại các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Bên cạnh sự nỗ lực của Sở Công Thương, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội”. Thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thành phố Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm đã đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển chương trình OCOP và việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP không còn là bài toán quá khó khăn nữa.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-dua-san-pham-ocop-vuon-xa-157671.html