Hà Nội: Gắn biển tuyến phố mang tên Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức
Sáng 23-10, UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) trang trọng tổ chức Lễ gắn biển phố mang tên Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành tình báo quốc phòng (25-10-1945 - 25-10-2023), 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2023), hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Hoàng Mai (25-11-2003 - 25-11-2023).
Tuyến phố mang tên Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức với điểm đầu từ ngã ba giao cắt phố Thanh Đàm (tại Trụ sở UBND phường Thanh Trì) đến ngã ba giao cắt tại Tổ dân phố số 7 (tại Trụ sở Công an phường Thanh Trì) với chiều dài 350m.
Tuyến phố đi qua trụ sở Công an phường, Trạm Y tế phường, trường mầm non, trường tiểu học có khoảng 68 hộ dân với 275 nhân khẩu. Dự kiến sau khi hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kéo dài tuyến phố đến phố Vĩnh Hưng thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức sinh năm 1922 trong một gia đình công nhân nghèo ở Thanh Trì, Hà Nội (nay là phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bí danh Ba Quốc - 3Q, Nguyễn Văn Tá. Ông nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II (Bộ Quốc phòng), phụ trách lực lượng tình báo phía Nam.
Thiếu tướng Đặng Trần Đức được mệnh danh là một trong những át chủ bài của lực lượng tình báo Việt Nam. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công... và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông mất năm 2004 tại Bệnh viện Quân y 175 và được an táng tại nghĩa trang TP.HCM.
Những chiến công đặc biệt xuất sắc nhưng thầm lặng của người chiến sĩ tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức đã góp phần quan trọng làm lên chiến thắng lịch sử của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước ta hoàn toàn độc lập.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Đặng Trần Đức đã trở thành nguyên mẫu, nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, đặc biệt là gần đây với cuốn “Người thầy” của tác giả- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, cuộc đời hoạt động và những chiến công oanh liệt của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức đã làm rạng danh trang sử hào hùng của quê hương Thanh Trì, của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến.
Việc TP Hà Nội quyết định đặt tên phố Đặng Trần Đức, một lần nữa đã thể hiện sự tri ân, ghi nhận những công lao to lớn của Đảng, Nhà nước đối với Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu đề nghị, sau khi tuyến phố chính thức mang tên Đặng Trần Đức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thanh Trì tiếp tục duy trì, tôn tạo làm cho tuyến phố ngày càng đẹp đẽ, khang trang hơn. Các ban, ngành, đoàn thể quận, đặc biệt ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận tổ chức nhiều hoạt động “Về nguồn”, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống Quân đội ta cho các thế hệ trẻ trên địa bàn về ý nghĩa của việc đặt tên tuyến phố gắn với Nhà Lưu niệm Đặng Trần Đức.
Theo Thiếu tướng Lê Vĩnh Thuộc- Phó Chính ủy Tổng cục II, việc đặt tên cho một tuyến phố nhằm tôn vinh những đóng góp, công lao của Thiếu tướng Đặng Trần Đức nói riêng, ngành tình báo quốc phòng Việt Nam nói chung đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc.