Hà Nội: Giá cả các loại thực phẩm rục rịch tăng theo giá xăng dầu
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau xanh, thịt, cá và một số sản phẩm tiêu dùng khác đã tăng từ 10-30% so với đầu tháng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh. Đặc biệt trong lần điều chỉnh ngày 21/9 mới đây, giá xăng đã gần chạm ngưỡng gần 26.000 đồng/lít, mức cao nhất trong gần 1 năm qua. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng giá hàng hóa sẽ lại "điệp khúc tăng" theo giá xăng.
Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các chợ truyền thống ở thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau xanh, thịt, cá và một số sản phẩm tiêu dùng khác tăng từ 10-30% so với thời điểm đầu tháng.
Cụ thể, tại mặt hàng rau xanh tăng mạnh nhất đến 30%. Cụ thể, rau mùng tơi từ 5.000 đồng/mớ nay đã lên 8.000 đồng/mớ; cải xanh từ 6.000 đồng/mớ tăng lên 8.000 đồng/mớ; rau dền từ 7.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ; rau muống từ 8.000-15.000 đồng lên 12.000-20.000 đồng/mớ… Các loại củ quả như su hào từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/củ, bí xanh từ 13.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; súp lơ xanh, trắng từ 17.000-18.000 đồng lên 20.000-22.000 đồng/cây; cà chua từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, khoai lang từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/kg; hành lá từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương ở chợ Nguyễn Công Trứ cho biết hầu hết các loại rau xanh đã tăng mạnh hơn 1 tuần nay. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường khiến một số loại rau bị hỏng, giảm nguồn cung đẩy giá tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng tăng nên cước vận chuyển cũng tăng khiến nhiều mặt hàng phải tăng giá bán từ 1000-2.000 đồng/kg để bù cho các chi phí phát sinh.
“Với diễn biến xăng dầu, giá cả lương thực tăng lên tục như hiện nay thì giá rau xanh sẽ tiếp tục có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới chứ không có giảm,” chị Liên nói.
Đồng quan điểm, chị Thu Hương, tiểu thương bán rau củ tại chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay giá rau xanh tăng cao khiến chị lo nhiều hơn vui. “Tại chợ đầu mối bán buôn giá cũng đã rất cao mà khách mua thì ít, nên tôi cũng chẳng dám nhập nhiều hàng như trước, chỉ mua mỗi loại một ít để bán và giữ chân khách quen,” chị Hương cho hay.
Bên cạnh mặt hàng rau xanh, các loại gia súc như thịt bò, thịt lợn cũng đang rục rịch tăng nhẹ. Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 90.000-160.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng mỗi kg so với thời điểm đầu tháng. Cụ thể, mông sấn từ 80.000 đồng lên 90.0000 đồng/kg; ba chỉ từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg, nạc vai giá từ 140.000 lên 150.000 đồng/kg; sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 160.000/kg…
Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò như thăn, philê, dẻ sườn... đang phổ biến trong khoảng 250.000 đồng/kg đến 320.000 đồng/kg tùy loại, tăng từ 5.000-10.000 đồng; trong đó giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg.
Một số loại lương thực, hàng hóa khác như gạo, đường cũng đang giữ ở mức cao: Gạo Bắc Thơm giá 17.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo ST25 giữ ở mức 28.000-30.000 đồng/kg; mặt hàng đường có đường RE loại 1kg phổ biến 28.000-30.000 đồng/kg…
Giá hàng hóa, thực phẩm những ngày này tăng khiến đời sống sinh hoạt của người dân cũng gặp khó khăn hơn.
“Tháng trước tôi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà chỉ mất khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày nhưng nay phải chi đến 250.000 đồng/ngày. Ngoài giá thực phẩm, giá xăng dầu cũng bắt đầu tăng khá mạnh nên chi phí sinh hoạt lại đội thêm nhiều loại khác nữa…,” chị Lan Anh, người dân quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 vừa qua tăng 0,88% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%./.