Hà Nội: gia tăng số ca mắc sởi, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ

Ngày 11/11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1/11 đến ngày 8/11), trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp mắc sởi (tăng 6 ca so với tuần trước đó); trong đó có 14 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vaccine.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sởi. Ảnh: HNM

Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sởi. Ảnh: HNM

Bệnh nhân mắc sởi ghi nhận tại 9 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Chương Mỹ, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm,Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thanh Xuân.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 62 trường hợp mắc sởi tại 22 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh.

Theo nhận đinh của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.

CDC Hà Nội nhận định, đánh giá bệnh sởi có số mắc đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là từ nay đến cuối năm.

Hiện nay, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát đối tượng và mời ra tiêm đối với những trẻ thuộc đối tượng tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi để phòng, chống dịch sởi theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Với bệnh sởi, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phòng bệnh là quan trọng nhất và việc tiêm chủng vô cùng cần thiết. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần.

Cũng trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tuần qua, toàn TP ghi nhận 566 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 46 trường hợp so với tuần trước).

Một số quận, huyện có nhiều ca bệnh là Hà Đông với 72 ca; Cầu Giấy, Thanh Oai - mỗi nơi có 38 ca; Đống Đa (36 ca); Nam Từ Liêm (34 ca); Chương Mỹ (33 ca); Phú Xuyên (30 ca); Đan Phượng (27ca); Hoàng Mai (25 ca); Hoàn Kiếm, Ba Vì - mỗi nơi có 23 ca; Ba Đình (20 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 6.243 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.

Tuần vừa qua ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 15 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đống Đa, Ba Vì, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tây Hồ, Thường Tín.

Cộng dồn năm 2024, TP ghi nhận 334 ổ dịch. Hiện còn 58 ổ dịch đang hoạt động.

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hàng năm.

Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 37 trường hợp mắc tay chân miệng và 1 trường hợp mắc ho gà. Còn lại các dịch bệnh khác như: liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, rubella, viêm màng não mô cầu, Covid-19 không ghi nhận ca bệnh trong tuần.

CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-gia-tang-so-ca-mac-soi-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-giam-nhe-400573.html