Hà Nội: Giá trầu cau tăng mạnh dịp ông Công, ông Táo

Thị trường hàng hóa, thực phẩm phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch) dồi dào, giá một số mặt hàng tăng nhẹ so với ngày thường, đặc biệt giá trầu cau tăng mạnh.

Mekong ASEAN ghi nhận tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Bách Khoa, chợ Thành Công, chợ Ngô Sỹ Liên… nguồn cung phục vụ lễ cũng ông Công, ông Táo đa dạng, giá cả thực phẩm hầu hết tăng nhẹ, 5-10%, đặc biệt giá trầu cau tăng gấp 5-6 so với ngày thường.

Giá các mặt hàng hoa quả tươi có tăng nhẹ so với ngày thường. Cam canh có giá dao động 60.000-75.000 đồng/kg, bưởi da xanh có giá từ 100.000-130.000 đồng/quả, thanh long ruột trắng từ 40.000-50.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 60.000-70.000 đồng/kg, xoài Cát Chu từ 50.000-65.000 đồng/kg, quả phật thủ dao động 30.000-100.000 đồng/quả tùy kích cỡ…

Giá hoa hồng tăng từ 6.000-8.000 đồng lên 12.000-15.000 đồng/bông, hoa cúc tăng từ 5.000 đồng lên 7.000-8.000 đồng/bông, lay ơn ở mức 10.000-12.000 đồng/cành, cành đào nhỏ có giá từ 70.000-120.000 đồng, quất nhỏ có giá 100.000 đồng/chậu. Giá hoa ly có sự tăng mạnh, từ 120.000 đồng/bó 10 cành dịp Rằm tháng Chạp vừa qua lên 250.000-280.000 đồng/cành.

Đặc biệt, mặt hàng cau, trầu ghi nhận lượng tiêu thụ cao trong thời điểm này. Giá trầu cau dao động từ 25.000-30.000 đồng/lễ gồm trầu cau và lá trầu, nếu so với ngày rằm, mùng một thông thường là đã tăng 2-3 lần, còn nếu so với ngày thường là 5-6 lần.

Cau trầu, vàng mã, xôi luôn là mặt hàng "đắt khách" mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Cau trầu, vàng mã, xôi luôn là mặt hàng "đắt khách" mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

“Nhiều khách muốn xin thêm lá trầu mà tôi không cho được vì giá đắt, cũng không dám bán vì sợ nếu bán nhiều quá không đủ bán kèm cùng cau,” chị Hường, một tiểu thương tại chợ Bách Khoa chia sẻ với Mekong ASEAN.

Mặt hàng rau xanh vẫn giữ giá như ngày thường. Hiện su hào có giá 8.000 đồng/kg, cà rốt từ 10.000 đồng/kg, cà chua có giá từ 15.000-17.000 đồng/kg, rau cải có giá 10.000 đồng/mớ, dưa chuột giá 18.000-20.000 đồng/kg, cải ngồng từ 16.000-18.000 đồng/kg, ớt chuông giá 30.000 đồng/kg…

Chị Thu Hoài, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: “Rau xanh đang rộ kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào. Thêm vào đó, thời tiết năm nay cũng thuận lợi, không có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên nhiều hộ dân cũng tự trồng được rau nên giá mặt hàng này khá rẻ”.

Tương tự, đối với mặt hàng thủy hải sản tươi sống, giá cả các mặt hàng này ổn định, gần như không có biến động so với ngày thường. Tôm sú dao động 250.000-400.000 đồng/kg, mực ống từ 120.000-250.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg…

Giá thịt lợn hiện ở mức từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 - 270.000 đồng/kg tùy loại, giò lợn 220.000 đồng/kg, chả ram tôm 160.000 đồng/kg... Giá gà trống từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức 90.000-100.000 đồng/kg, giá gà ngậm hoa hồng dao động 220.000-250.000 đồng/kg.

Mặt hàng cá chép đỏ cùng vàng mã, mỹ hài để cúng ông Công, ông Táo là những lễ vật không thể thiếu trong dịp này. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Mặt hàng cá chép đỏ cùng vàng mã, mỹ hài để cúng ông Công, ông Táo là những lễ vật không thể thiếu trong dịp này. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Mặt hàng cá chép đỏ cùng vàng mã, mũ hài để cúng ông Công, ông Táo là những lễ vật không thể thiếu trong dịp này giá cả cũng ổn định không tăng so với năm trước cụ thể, cá chép giá từ 30.000- 70.000 đồng/3 con tùy từng loại to hay nhỏ; bộ mũ hài kèm vàng mã từ 50.000-150.000 đồng/bộ tùy loại.

Các tiểu thương còn đưa ra thị trường các loại bánh được tạo hình cá chép, thỏi vàng có giá 50.000-70.000 đồng/hộp tùy loại.

Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Ngoài ra còn có nhiều loại bánh để bày biện trong mâm cỗ như bánh xu xê, bánh cốm… có giá 30.000-40.000 đồng/hộp tùy loại. Xôi gấc, xôi đỗ có giá dao động 20.000-40.000 đồng/đĩa…

Dịp này, các tiểu thương còn đưa ra thị trường nhiều loại bánh được bày biện trong mâm cỗ chay. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Dịp này, các tiểu thương còn đưa ra thị trường nhiều loại bánh được bày biện trong mâm cỗ chay. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.

Ngày ông Công, ông Táo năm nay vào ngày thường nên dịp này, thị trường nấu cỗ cũng sôi động hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận số lượng cỗ đặt làm sẵn giảm so với năm ngoái. Chị Minh Nguyệt, chuyên nấu cỗ tại ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa) cho biết năm nay lượng khách đặt cỗ giảm khoảng 30% so với năm ngoái, chủ yếu là khách quen.

“Như năm ngoái, một tuần trước ngày ông Công, ông Táo, mỗi ngày tôi nhận khoảng 15-20 đơn đặt mâm cỗ. Tuy nhiên, năm nay số lượng đơn ít hơn. Dù chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày ông Công, ông Táo nhưng số đơn đặt cỗ mới bằng 2/3 so với năm ngoái. Có thể là do giá cả các loại thực phẩm năm nay cũng tăng hơn so với năm ngoái nên khách hàng có phần dè chừng hơn,” chị Nguyệt nói.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ha-noi-gia-trau-cau-tang-manh-dip-ong-cong-ong-tao-37679.html