Hà Nội: Giải ngân hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã giải ngân cho 6.447 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay đạt 508 tỷ đồng.

Đảm bảo giao dịch liên tục, không gián đoạn

Đối với Hà Nội, bài toán giảm nghèo không còn là vấn đề trọng yếu, khi năm 2024, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo. Thay vào đó là bài toán giải quyết việc làm, hướng đến phát triển xanh và bền vững. Đây cũng là giải pháp trọng tâm chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đặt ra trong những năm qua, từ đó chủ động tham mưu địa phương, ưu tiên dành nguồn lực để có những giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, đảm bảo các phiên giao dịch tại điểm giao dịch xã, phường liên tục không bị gián đoạn trong bối cảnh điều chỉnh địa giới hành chính đặc biệt trong năm 2025.

Cao Sơn Tiến - xã mới của huyện Ứng Hòa (Hà Nội), được thành lập vào đầu năm 2025 từ việc sáp nhập 3 xã: Cao Thành, Sơn Công và Đồng Tiến. Mặc dù xã còn bộn bề công việc sau sáp nhập nhưng vẫn luôn đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo điểm giao dịch hoạt động bình thường, không bị gián đoạn, kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.

Trong phiên giao dịch định kỳ tháng 2/2025, mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng trụ sở UBND xã Sơn Tiến vẫn luôn nhộn nhịp người dân đến giao dịch. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn - cho biết, đây là phiên giao dịch thứ 2 kể từ khi xã được thành lập. Trong tháng 1/2025 có 28 lượt khách hàng được vay vốn, đưa tổng dư nợ 7 chương trình tín dụng chính sách tại xã đến nay đạt 69 tỷ đồng với 1.286 hộ còn dư nợ. Toàn xã không có nợ quá hạn, nợ khoanh. Nguồn vốn chính sách đã thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ổn định cho trên 900 lao động và hộ vay trên địa bàn xã.

“Có thể nói đây là nguồn vốn rất quan trọng, góp phần hỗ trợ nhân dân trên địa bàn xã Cao Sơn Tiến, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần bổ sung vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo trên địa bàn xã” - ông Cường phấn khởi nói.

Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội trao đổi với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại phiên giao dịch định kỳ hàng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Cao Sơn Tiến. Ảnh: VBSP

Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội trao đổi với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại phiên giao dịch định kỳ hàng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Cao Sơn Tiến. Ảnh: VBSP

Hiệu quả của nguồn vốn chính sách với phát triển kinh tế không chỉ hiệu quả ở Cao Sơn Tiến mà còn trải rộng trên tất cả các xã, phường của Thủ đô Hà Nội với sự chủ động tham mưu kịp thời của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Đến ngày 13/2/2025, tổng nguồn vốn tại chi nhánh đạt 16.819 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 9.948 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 26% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2025. Đến nay, đã có 27/30 quận, huyện, thị xã đã có quyết định chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2025 với số tiền là 122 tỷ đồng; trong đó đã có 17/27 đơn vị chuyển tiền bổ sung vốn ủy thác.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2025 đã giúp cho 6.447 lượt khách hàng trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay đến ngày 13/2/2025 đạt 508 tỷ đồng; trong đó có 5.138 lượt khách hàng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm; hỗ trợ kinh phí cho 1.250 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 2.500 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 53 lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội…

Cùng với đó là 269.907 khách hàng đang thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 16.730 tỷ đồng, tăng 164 tỷ đồng so với đầu năm, đã và đang góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 9.807 tỷ đồng, tăng 194 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 59% trên tổng dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,034% trên tổng dư nợ.

Phát huy vai trò định chế tài chính công

Đáng chú ý, là những điểm tựa bứt phá mới cho tín dụng chính sách cũng được chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội triển khai như: việc tham mưu cho Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thực hiện các bước liên quan đến công tác bàn giao dư nợ khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố; tham mưu UBND thành phố phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho vay năm 2025 đối với nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để triển khai giải ngân tăng trưởng dư nợ ngay từ đầu năm 2025…

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã giải ngân cho 6.447 lượt khách hàng vay vốn. Ảnh: VBSP

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã giải ngân cho 6.447 lượt khách hàng vay vốn. Ảnh: VBSP

Ngoài ra, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đã được triển khai tới 6.886/7.085 Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng trong giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội, đạt tỷ lệ 97,19%. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hiện đang phối hợp với Trung tâm phục vụ Hành chính công TP. Hà Nội thực hiện kết nối tín dụng chính sách xã hội trên ứng dụng iHaNoi để công khai và tạo sự tương tác với nhân dân, các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn thành phố về các thông tin và nội dung liên quan đến triển khai tín dụng chính sách xã hội.

Ghi nhận, biểu dương cao những thành tích và sự nỗ lực của tập thể cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đạt được, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đặt ra, tạo tiền đề cho cả nước cũng như Hà Nội bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ là thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế, đòi hỏi mỗi người dân cũng cần phải năng động trong phát triển kinh tế và hướng tới sản xuất xanh. Và trong hành trình này, nguồn vốn chính sách vẫn là trụ cột hỗ trợ quan trọng.

Từ đó, ông Dương Quyết Thắng yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội bám sát chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2025 của Đảng bộ và chi nhánh.

Trong đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu Thành ủy và UBND thành phố sớm ban hành Kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và các văn bản có liên quan của Chính phủ, thành phố về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND thành phố.

Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội tham mưu UBND thành phố bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2026 - 2030; Đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ tín dụng, nâng mức cho vay đối với khách hàng, nâng dư nợ cho vay đối với địa bàn cấp xã đi đôi với nâng cao chất lượng các mặt hoạt động.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tin tưởng với những nền tảng đã có, cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí đơn vị đứng đầu trong hệ thống, phát huy vai trò của định chế tài chính công trong hành trình thực hiện các mục tiêu quốc gia và xây dựng thủ đô giàu mạnh, văn minh, lịch thiệp.

Năm 2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đạt 16.609 tỷ đồng, tăng 2.413 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó: Vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế và tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 2.453 tỷ đồng, tăng 197 tỷ đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 9.820 tỷ đồng, tăng 2.061 tỷ đồng.

Doanh số cho vay trong năm 2024 đạt 7.206 tỷ đồng, với doanh số thu nợ đạt 4.800 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến cuối năm đạt 16.567 tỷ đồng, tăng 2.406 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 17%.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-giai-ngan-hon-500-ty-dong-von-tin-dung-chinh-sach-374848.html