Linh hoạt với room tín dụng

Bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, giao các ngân hàng thương mại chủ động hoạt động cung tiền cho nền kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc.

Tại sao phải giới hạn tăng trưởng tín dụng?

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thị trường ngân hàng chứng kiến sự tăng trưởng nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là 2007 và nửa đầu 2008. Vốn tín dụng chảy ồ ạt vào nền kinh tế, tập trung ở các lĩnh vực nóng như: Cho vay bất động sản, chứng khoán và tín dụng. Đỉnh điểm, nền kinh tế năm 2007 ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tới 51,39%. Lãi suất huy động năm đó cũng khá cao, giao động trên dưới 10%/năm. Cho đến những tháng đầu năm 2008, lãi suất huy động trên thị trường tăng phi mã, lên tới 19,2%, đưa lãi suất cho vay lên tới 22 - 25%. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng lãi suất cơ bản cao tới 14% và lãi suất tín phiếu lên 13%.

Tiền chảy vào nền kinh tế quá nhiều, tăng trưởng nóng khiến cho nhà điều hành phải có những động thái “hãm phanh” như việc đưa ra mức trần lãi suất huy động, cho vay vào cuối năm 2008. Đồng thời, những năm tiếp theo, để giữ an toàn hệ thống cũng như đưa hoạt động tăng trưởng tín dụng không quá nóng, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trở lại giải pháp cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại.

Thực tế, năm 1994, room tín dụng đã được áp dụng nhưng chỉ được dùng với các ngân hàng thương mại quốc doanh; sau đó có áp dụng tới nhóm thương mại cổ phần và từ năm 1998, nhà điều hành không sử dụng công cụ này một cách thường xuyên mà chỉ áp dụng khi cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ room tín dụng. Ảnh: Duy Minh

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ room tín dụng. Ảnh: Duy Minh

Dựa trên tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế của năm trước và tùy thuộc vào “sức khỏe” của các ngân hàng thương mại, mức tăng tín dụng tối đa mà các ngân hàng thương mại được thực hiện sẽ được nhà điều hành công bố đầu mỗi năm. Room tín dụng năm 2011 là 20%; năm 2012, Ngân hàng Nhà nước phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm, cụ thể: Nhóm 1 tối đa 17%, nhóm 2 tối đa 15%, nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng… Những năm tiếp theo, room tín dụng dần được nhà điều hành nới lỏng, dựa trên sức khỏe của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn và nhằm mục tiêu hỗ trợ phương tiện thanh toán và hỗ trợ tăng trưởng, xê dịch quanh các mức từ 12 - 15% và cao nhất lên 20% vào năm 2016.

Và cùng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì ở giai đoạn này cơ cấu tín dụng đã có sự thay đổi, tập trung vào cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Từng bước nới lỏng và tiến tới bỏ room tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%)... Được giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 từ cuối năm 2024 nên ngay từ đầu năm nay các ngân hàng thương mại đã tập trung đẩy vốn ra nền kinh tế.

Trên thực tế, để đảm bảo an toàn hệ thống, bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng thì Ngân hàng Nhà nước còn đồng thời ban hành các quy định về đảm bảo an toàn vốn, tài sản và lĩnh vực cho vay cũng như các tiêu chí đảm bảo an toàn khác theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu hệ thống thông qua kiểm soát, sáp nhập các ngân hàng yếu kém cũng đã giúp hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh hơn. Đồng thời, bản thân mỗi ngân hàng cũng đã tự điều chỉnh vì mục tiêu tăng trưởng an toàn, bền vững. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, room tín dụng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Thực tế là năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bỏ room tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong 1 - 2 năm trở lại đây và đây là tín hiệu tích cực trong điều hành. Thay vì giao theo đợt hằng năm thì từ 2024 room tín dụng đã được giao 1 lần từ đầu năm và cuối năm 2024 nhà điều hành đã thông báo chỉ tiêu của năm sau để các ngân hàng chủ động trong kế hoạch kinh doanh cũng như kiểm soát được mức đưa vốn ra nền kinh tế của mình. Đây là cách quản lý linh hoạt và cũng là thông điệp chính sách từ nhà điều hành là không thả lỏng mà dựa vào “sức khỏe” của hệ thống chứ không dùng biện pháp mang tính hành chính. TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là tín hiệu để có thể hy vọng room tín dụng sẽ được bỏ trong thời gian không xa.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây cũng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ room tín dụng.

Thông tin rõ hơn về chính sách điều hành này, Phó Thống đốc cho biết, một trong những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước là đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, sẽ chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.

Năm 2024, tín dụng tăng trưởng 15,08%, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Đây là những yếu tố tích cực để nhà điều hành hướng tới bỏ room tín dụng, trao quyền tự chủ tăng trưởng cho các ngân hàng thương mại.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/linh-hoat-voi-room-tin-dung-375068.html