Hà Nội: Giải quyết vướng mắc thu hồi, giải tỏa hồ câu ở quận Long Biên
UBND phường Ngọc Thụy đã nắm nguyện vọng, kiến nghị của các hộ dân để báo cáo quận xem xét, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, công khai quy hoạch của thành phố với khu vực hồ câu Xuân Quế và Sơn Thủy.
Quận Long Biên (Hà Nội) đang thực hiện thu hồi, giải tỏa mặt bằng hồ câu Xuân Quế và Sơn Thủy, phường Ngọc Thụy để thực hiện dự án theo quy hoạch. Dự án thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí, trong đó có không ít ý kiến trái chiều.
Một số hộ dân xung quanh hồ câu không đồng thuận với phương án thu hồi đất của chính quyền địa phương. Trong lúc đó, gia đình chủ hồ câu Xuân Quế - hộ trực tiếp khai thác hồ hàng chục năm qua đã chấp thuận trả lại đất để chính quyền đền bù giải tỏa.
Gia đình chủ hồ câu Xuân Quế đồng thuận trả đất
Hiện nay, 11 người dân thuộc Tổ 11, phường Ngọc Thụy cùng đứng đơn kiến nghị lên chính quyền bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc quận chuẩn bị san lấp hai hồ câu nói trên.
Bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1958, là chủ khai thác hồ câu Sơn Thủy), một trong số những người đứng đơn kiến nghị cho rằng, nguồn gốc lịch sử của hai hồ trên có từ lâu đời và là hồ tự nhiên.
Năm 1990, chính quyền xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy) giao thầu các hồ câu này cho một số hộ gia đình cải tạo. Hàng chục năm qua, những người thuê thầu kinh doanh tại đây đã mở dịch vụ câu cá, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ngoài ra, khu hồ còn tạo cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, trong lành, sạch đẹp và có tác dụng nâng cao hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt mùa mưa… Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng quận Long Biên không nên lấp các khu hồ này.
Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc trực tiếp khai thác, kinh doanh trên mặt hồ đồng thuận với việc thu hồi đất.
Ông Phạm Kim Sơn, anh ruột của ông Phạm Xuân Quế, chủ nhà hàng Xuân Quế khá nổi tiếng bởi quán ăn ẩm thực xây dựng trên hồ Xuân Quế thu hút đông thực khách nhiều năm qua, đại diện gia đình cho biết: "Tôi sống trên mảnh đất hồ câu Xuân Quế đã trên 60 năm. Trước đó, mẹ tôi là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Thụy, khi về hưu có thuê thầu lại khu đất nông nghiệp này và gia đình khai thác từ năm 2005 đến nay. Do quen gọi là hồ câu, thực tế khu này chỉ có mương lạch, đất ruộng, hoang hóa được gia đình tôi đào thành ao để khai thác, kinh doanh ăn uống."
Ông Phạm Kim Sơn xác nhận đây không phải là khu hồ tự nhiên mà do gia đình ông tự đào múc, với diện tích khoảng 3.000m2.
Vì ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của mình nên khi biết thông tin thu hồi đất, gia đình rất bức xúc. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, ông được biết khu đất nằm trong quy hoạch của thành phố Hà Nội về xây dựng nhiều tuyến đường giao thông công cộng, khu nhà ở, phát triển kinh tế.
Vì lợi ích chung, gia đình đã bàn bạc thống nhất cao trong việc trả lại đất để quận thực hiện đúng tiến độ dự án, ông Phạm Kim Sơn chia sẻ.
Đại diện gia đình hồ câu Xuân Quế cho biết sắp tới, dự án sẽ có 3 tuyến đường giao thông rộng đi qua khu vực hồ câu này, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân trong vùng. Gia đình mong muốn, khi đền bù, Nhà nước cần tính toán hợp tình, hợp lý và thỏa đáng.
Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Thụy cho biết thời gian qua, phường nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các hộ dân để báo cáo quận xem xét trả lời, giải quyết.
Ủy ban Nhân dân phường tiếp tục mời các hộ dân để tuyên truyền, giải thích, công khai quy hoạch của thành phố đối với khu vực các hồ câu trên. Phường đề xuất quận quan tâm đến việc thoát nước cho khu vực vùng trũng này.
Để giải quyết tình trạng ngập úng, thoát nước trong khu vực này như ý kiến người dân còn lo ngại, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Long Biên cho biết song song với hệ thống đường giao thông hiện đại đi qua khu vực này, quận đặc biệt quan tâm tới hệ thống thoát nước.
Tại lưu vực phía Tây đường 40m, nước mưa sau khi được thu gom vào hệ thống cống thoát nước của dự án sẽ vào hệ thống cống D1500 và thoát ra hồ Ngọc Thụy. Ở lưu vực phía Đông đường 40m, nước mưa sau khi được thu gom sẽ thoát vào hệ thống cống tròn D1250, sau đó thoát vào hệ thống mương Gia Quất.
Thực hiện dự án theo quy hoạch của Hà Nội
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Long Biên cho biết quận gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đúng tiến độ dự án thành phố giao. Việc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc quy hoạch là điều rất quan trọng trong kiến thiết đô thị.
Mặt khác, khi đã có quy hoạch mà thực hiện sai là vi phạm pháp luật. Vì vậy, quận vừa đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng làm rất thận trọng, tuyên truyền, giải thích rõ để người dân đồng thuận.
Hiện nay, gia đình chủ hồ câu Xuân Quế đã đồng ý để quận thực hiện các thủ tục giải tỏa, đền bù. Mảnh đất có hồ câu Sơn Thủy của bà Nguyễn Thị Lan (1.200m2), theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0476, tờ bản đồ 330 VIII, cấp ngày 10/11/2000 là diện tích đất nông nghiệp, hồ câu Sơn Thủy không phải là hồ tự nhiên.
Theo thông tin Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô quy hoạch A4/NO4, A8/NO1, A8/NO2, A4/HH2, A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy được Ủy ban Nhân dân quận Long Biên phê duyệt tại Quyết định số 7648/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 theo quy hoạch phân khu đô thị N10 tỷ lệ 1/2000 đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.
Cụ thể, theo quy hoạch chi tiết quận Long Biên, tỷ lệ 1/2000 phần quy hoạch sử dụng đất, giao thông và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định số 228/2005/QĐ-UBND, ngày 19/12/2005 và theo quy hoạch phân khu N10, tỷ lệ 1/2000 đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6115/QĐ-UBND năm 2014.
Những năm qua, quận Long Biên thực hiện xây dựng, mở rộng, cải tạo nhiều hồ trên địa bàn với diện tích mặt nước rộng hàng ngàn mét vuông. Quận đang lập quy hoạch đầu tư xây dựng 2 hồ nước với diện tích 12,5ha, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2023./.