Hà Nội: Giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Theo phương án đã được UBND TP Hà Nội ban hành, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Hà Nội dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025 (Ban Chỉ đạo TP). TP đã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường vụ, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các phương án, tiêu chí để đề xuất phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. “Với TP Hà Nội, theo tiêu chí về diện tích và dân số, có 173 xã, phường, thị trấn và 1 ĐVHC cấp quận là quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này”, ông Cảnh cho hay.
Đặc biệt, với TP Hà Nội còn dựa vào các tiêu chí của chính quyền đô thị, yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, dân số, tốc độ phát triển đô thị… Do đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng. Qua rà soát, 26/26 quận, huyện, thị xã có địa giới hành chính thuộc diện sắp xếp đã xây dựng phương án cụ thể, trình UBND TP.
Sau khi các địa phương hoàn thành phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo TP, Sở Nội vụ đã tham mưu trực tiếp cho Ban Cán sự Đảng UBND TP rà soát, tiến hành xem xét các phương án các đơn vị đề xuất. Ngày 15/11/2023, UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP, trình Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Với phương án này, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 ĐVHC cấp xã, phường, thị trấn.
Ngày 21/12/2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản, cơ bản thống nhất với phương án do Ban Chỉ đạo TP Hà Nội trình, có điều chỉnh, bổ sung một số điểm. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu đến ngày 31/5/2024, TP Hà Nội phải hoàn thành đề án, gửi báo cáo Bộ Nội vụ, báo cáo UBTVQH và Chính phủ thông qua, hoàn thành sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập các ĐVHC này trong quý III/2024. “Có thể nói, việc tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của TP Hà Nội đã được Ban Chỉ đạo, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rất cụ thể, sâu sát, rõ lộ trình, tiến độ, nội dung và triển khai đồng bộ trên địa bàn TP”, ông Trần Đình Cảnh khẳng định.
Tạo sức bật phát triển trong giai đoạn mới
Vẫn theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, quá trình triển khai tổ chức thực hiện, TP Hà Nội sẽ chỉ đạo sát sao Ban Thường vụ các cấp ủy quận, huyện, thị xã; UBND quận, huyện, thị xã thực hiện công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân, nhất là phương án sắp xếp tên gọi của ĐVHC mới, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, để công tác sắp xếp bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu của các Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP và sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật trong giai đoạn mới.
Đề cập đến công tác cán bộ sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ, khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp; còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức của hai bên và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực.
Ông Trần Đình Cảnh khẳng định, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ không gây ra vấn đề đáng lo ngại về việc cán bộ, công chức dôi dư. “Với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp ĐVHC như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các đoàn thể, TP Hà Nội sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp. Các chức danh cấp phó và công chức của hai đơn vị sáp nhập được giữ nguyên, nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội quan tâm.
Sau khi sắp xếp ĐVHC, trong giấy tờ tùy thân của người dân sẽ có thay đổi một số thông tin. Về việc này, khẳng định chủ trương của TP là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính, ông Trần Đình Cảnh cho biết, việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ TTHC do sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được TP chỉ đạo Công an TP thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế TP hỗ trợ toàn bộ. “Thực tế, trước đây, trong giai đoạn 1 về sắp xếp ĐVHC cấp xã, tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an TP xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm TTHC cho người dân, nên người dân có thể yên tâm về vấn đề này”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ TTHC để thay đổi địa danh, tên gọi của ĐVHC, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội đã có chỉ đạo Công an TP và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.