Hà Nội: Hạn chế tối đa tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 trái tuyến
Liên quan tới tuyển sinh các lớp đầu cấp tại Hà Nội, thành phố yêu cầu đảm bảo năm rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.
Tuyệt đối không thi tuyển lớp 1
Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2020-2021 đã ban hành kế hoạch tổ chức thi, tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 TP Hà Nội năm học 2020- 2021.
Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu việc tổ chức tuyển sinh phải đúng quy chế, chính xác, công bằng, khách quan, công khai; phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Các quận, huyện, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảmso học sinh/lớp.
Yêu cầu chung là phải tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày; đồng thời đảm bảo năm rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội”. Các trường THCS được UBND TP công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Để tạo điều kiện cho phụ huynh, sẽ có 2 hình thức tuyển sinh gồm: trực tuyến thông qua cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, (đối với cha mẹ học sinh có điều kiện ứng dụng về công nghệ thông tin) và trực tiếp (đối với cha mẹ học sinh không có điều kiện ứng dụng về công nghệ thông tin).
Ban Chỉ đạo lưu ý, phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Cùng với đó, các trường không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1 và phải tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Căn cứ diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, trong trường hợp đến thời điểm tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh năm học 2020-2021 vẫn còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội đồng thi, Hội đồng tuyển sinh cần phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố (chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và xây dựng các phương án cụ thể...) đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các học sinh.
Siết chặt công tác bảo mật đề thi
Liên quan tới việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2020, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2020 yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và của người dân về những nội dung liên quan đến kỳ thi. Phải quán triệt đầy đủ quy chế thi và tuyển sinh hiện hành, nhất là các quy định mới trong tổ chức kỳ thi; Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử văn minh, nghiêm túc trong kỳ thi.
Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tham gia tổ chức kỳ thi (gồm các sở, ngành: GD-ĐT Hà Nội, CATP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông; Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội) căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn được giao xây dựng kế hoạch cụ thể; có phương án xử lý, kịp thời khắc phục các tình huống xảy ra; lập dự trù kinh phí thực hiện; ra các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các công việc, chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho kỳ thi. Cùng với đó, cần có phương án đề phòng thiên tai; cháy nổ, động đất...; chống ùn tắc giao thông; các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi; đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi và thí sinh. Phải đảm bảo có đủ điện lưới và có phương án dự phòng về điện cho các hoạt động của Hội đồng thi, đặc biệt là phục vụ Ban in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
Cần bố trí các điểm thi hợp lý nhất để vừa đảm bảo thuận tiện cho thí sinh vừa đảm bảo thuận lợi, an toàn cho công tác tổ chức thi, đi lại của cán bộ coi thi cũng như tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét duyệt kết quả tốt nghiệp THPT.
Ban Chỉ đạo cũng đề ra nhiều nhiệm vụ phân công cụ thể đối với các đơn vị đảm bảo công tác tổ chức thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, đúng quy chế, quy định.