Hà Nội: Hàng chục hộ dân mòn mỏi sống cảnh 'ăn nhờ ở đậu' trên dự án 'treo'

'Là những người cán bộ, công nhân cũng có đóng góp cho nhà máy, cho xã hội nhưng mấy chục năm sống cảnh 'ăn nhờ ở đậu', sống trong điều kiện dột nát như thế này chúng tối cảm thấy rất tủi thân', đó là chia sẻ của một người dân sống trong khu dân cư cơ khí số 5, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Những ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, lụp xụp, mỗi khi trời mưa là cả khu dân cư biến thành rốn nước. Mặc dù phải sống trong cảnh xuống cấp, dột nát và ẩm thấp, nhưng các hộ dân nơi đây vẫn không được xây dựng, nâng cấp nhà cửa để ổn định cuộc sống. Đó là tình cảnh chung của hàng chục hộ dân thuộc khu dân cư cơ khí số 5, tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm nằm trong quy hoạch dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đã 'treo' gần 20 năm qua.

Hàng chục hộ dân khu dân cư cơ khí số 5 sống trong cảnh 'ăn nhờ ở đậu'.

Hàng chục hộ dân khu dân cư cơ khí số 5 sống trong cảnh 'ăn nhờ ở đậu'.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 226/2006/QĐ-UBND ngày 12/12/2006, có tổng diện tích đất khoảng 113,6 ha. Từ tháng 4/2017 đến nay, do không bố trí được nguồn vốn thực hiện nên công tác giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa được triển khai.

Đã gắn bó với khu dân cư cơ khí số 5 mấy chục năm trời, ông Trần Văn Năm, 74 tuổi chia sẻ: "Chúng tôi gồm 38 hộ dân, vốn là các cán bộ của Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 (nay là Công ty cơ khí xây dựng số 5) đã đến sinh sống tại đây từ những năm 1972.

Trước đây, Nhà máy cơ khí xây dựng số 5 đã cho thuê hoặc giao đất cho từng hộ dân với mục đích để chúng tôi được sinh sống và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, từ thời điểm quy hoạch Dự án Trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đến nay, chúng tôi lại phải sống cảnh tạm bợ trên chính mảnh đất của mình được Nhà máy phân cho.

Ông Trần Văn Năm chia sẻ về thực trạng tại Khu dân cư cơ khí số 5 với phóng viên.

Ông Trần Văn Năm chia sẻ về thực trạng tại Khu dân cư cơ khí số 5 với phóng viên.

Là những người cán bộ, công nhân cũng có đóng góp cho nhà máy, cho xã hội nhưng mấy chục năm sống cảnh 'ăn nhờ ở đậu', sống trong điều kiện dột nát như thế này chúng tôi cảm thấy rất tủi thân.

Vì vướng quy hoạch nên toàn bộ người dân sống trong khu đất này đều không được cấp quyền sử dụng đất, không được xây dựng nhà kiên cố, chỉ được phép sửa chữa chứ không được cơi nới, xây thêm tầng.

Những người trẻ thì bỏ đi tìm nơi khác yên ổn hơn, còn những người già như chúng tôi thì đành chấp nhận ở lại trong khu nhà lụp xụp như thế này. Ở đây có những trường hợp định cư từ những năm 1954 đến giờ, thế nhưng đến lúc già yếu thì vẫn phải ở nhờ.

Sống trên mảnh đất mà không có cái quyền gì cho bản thân, tôi cũng đang lo sợ rằng, mai này mình chết đi, không biết có nơi thờ phụng hay không. Chúng tôi ngày đêm mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm giải quyết cho bà con đỡ khổ và ổn định cuộc sống".

Cùng chung cảnh ngộ, bà Đỗ Thị Phương, 74 tuổi, cho biết: "Gia đình tôi và nhiều hộ gia đình công nhân của Nhà máy Cơ khí số 5 đã được phân nhà tập thể ở đây từ năm 1973. Từ đó đến giờ đã 50 năm, nhà xuống cấp, cũ nát nhưng do nằm trên đất quy hoạch dự án nên không được cơi nới, xây dựng, làm sổ đỏ.

Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, lụp xụp của bà Đỗ Thị Phương.

Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, lụp xụp của bà Đỗ Thị Phương.

Chỉ tay vào những mảng tường đã bong tróc, ẩm thấp bà Phương bộc bạch: "Mấy thế hệ gia đình tôi ở đây rồi nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Nhà chật chội, ẩm ướt nên gia đình vợ chồng hai thằng lớn phải đi chỗ khác ở. Vì xây dựng lâu năm nên tường nhà bong tróc hết, trát xong lại lở ra. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các ngành, các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý".

Thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố Hà Nội và các sở ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc tại dự án theo hướng điều chỉnh các khu dân cư (hiện nằm trong phạm vi thu hồi đất thực hiện dự án) ra khỏi dự án này.

Ngày 16/5 vừa qua, UBND quận cũng đã gửi công văn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tham gia ý kiến rà soát dự án, đề xuất sử dụng quỹ đất trong phạm vi quy hoạch Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ.

Video người dân chia sẻ về thực trạng tại Khu dân cư cơ khí số 5:

Đức Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-hang-chuc-ho-dan-mon-moi-song-canh-an-nho-o-dau-tren-du-an-treo-169230614124649092.htm