Hà Nội: Hàng trăm chủ quán karaoke đứng trước nguy cơ phá sản
Sau gần 6 tháng tạm ngừng hoạt động, nhằm thắt chặt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội chưa được hoạt động trở lại. Nhiều chủ quán karaoke kêu cứu trước nguy cơ phá sản.
“Lao đao” vì đóng cửa quán karaoke vô thời hạn
Theo ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, đến thời điểm hiện tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên nhiều tuyến phố như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng... đều trong tình trạng đóng cửa, cải tạo sửa chữa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. Nhiều quán karaoke đang cố gắng đáp ứng đủ điều kiện an toàn về PCCC để xin tái hoạt động.
Trong khi đó, việc kinh doanh karaoke cần số vốn đầu tư lớn, lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Không những vậy, mỗi tháng chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí này còn phải chi trả các khoản khác như: Tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân nhiên, tiền đầu tư xây dựng, tiền cải tạo sửa chữa,...
Thế nên, việc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài, chưa kể trước đó chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến rất nhiều chủ đầu tư lâm vào tình trạng lỗ nặng, nợ nần.
Chị N.T.H - Quản lý quán karaoke 5 sao trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) cho biết, việc kinh doanh của quán chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Từ khi ngừng hoạt động, hệ thống karaoke 5 sao đã chịu thiệt hại hàng tỷ đồng.
“Chưa tính đến tiền thuê nhân viên, tiền sửa chữa thì riêng tiền thuê mặt bằng tại 6 cơ sở kinh doanh đã hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, gần như các cơ sở của karaoke 5 sao đã thay đổi cải tạo sửa chữa lại theo đúng các quy định để đảm bảo an toàn PCCC”.
Cũng mong rằng trong thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý tạo điều kiện, tháo gỡ các quy định để các cơ sở kinh doanh như bên mình được hoạt động trở lại”, chị H chia sẻ thêm.
Tương tự, một quán karaoke trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) cũng hụt thu hàng tỷ đồng sau thời gian dài dừng hoạt động.
“Dù đã đầu tư, sửa chữa quán theo các quy định về PCCC nhưng để đáp ứng đủ các điều kiện thì thực sự rất khó. Nếu muốn đạt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thì gần như quán phải xây dựng lại từ đầu, từ hệ thống nước, hệ thống báo cháy tự động, cầu thang thoát hiểm ngoài trời...”, anh Hoàng chủ cơ sở tại quận Thanh Xuân nói.
Còn anh Mịn, một chủ cơ sở kinh doanh karaoke tại phố Ngọc Khánh (Ba Đình) cho hay, 6 tháng vừa qua chắc hẳn là khoảng thời gian khó khăn nhất với anh khi vừa chịu thua lỗ sau hơn 2 năm dịch bệnh, xong lại phải tạm ngừng hoạt động vô thời hạn.
Cũng theo nhiều chủ quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội, hiện nay các quy định về PCCC rất nghiêm ngặt, phần lớn các cơ sở kinh doanh đều chưa thể đáp ứng được.
Các chủ kinh doanh karaoke mong rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý về PCCC của Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp sớm ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về cơ sở vật chất, diện tích, vật liệu, đảm bảo âm nhiệt, lối thoát hiểm… Đồng thời đưa ra các giải giáp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí được mở cửa trở lại.
Chủ quán karaoke đồng loạt kêu cứu trước nguy cơ phá sản
Gần đây, hàng trăm chủ quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý trước nguy cơ phá sản sau nhiều tháng trời khi thực hiện quy định về PCCC.
Trước phản ánh của người dân, đại diện công an TP Hà Nội cho viết đơn vị đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp tích cực lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp. Để từ đó, rà soát đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền về những giải pháp cụ thể giúp cho doanh nghiệp sớm tháo gỡ, khắc phục những tồn tại về vi phạm PCCC.
Đồng thời, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện theo đúng trình tự, quy định để các dịch vụ kinh doanh karaoke hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.