Hà Nội: Hiệu quả cao từ chuyển đổi số trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp

Hà Nội hiện có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, trong đó có 262 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình hiệu quả tập trung tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Nhìn chung, công tác chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng bước đầu tạo sự thay đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Để hỗ trợ các hợp tác xã trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, tập huấn ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Các buổi tọa đàm, tập huấn đều có chuyên gia hướng dẫn để người dân, hợp tác xã hiểu hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giải đáp vướng mắc trong quá trình sản xuất, áp dụng vào thực tiễn.

Sản xuất tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà

Sản xuất tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với quy mô hơn 2,1ha, hợp tác xã đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 6 nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích khoảng 10.000m2 để trồng rau mầm. Quy trình sản xuất được áp dụng theo quy tắc “5 không”: Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không cây trồng chuyển đổi gen. Do đó, đơn vị có thể cung ứng đến người tiêu dùng Thủ đô những loại rau mầm an toàn nhất. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh, trong đó, chú trọng giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, kết nối thị trường nông sản và sản phẩm OCOP; hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn… Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Hướng đi này góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh; tăng cường liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị...

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND Thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/KhaoSatMucDoCDS

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-hieu-qua-cao-tu-chuyen-doi-so-trong-cac-co-so-san-xuat-nong-nghiep-354266.html