Hà Nội hoàn thành cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất của nhiều hộ gia đình
Lực lượng chức năng huyện Đông Anh, Hà Nội vừa hoàn thành việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất đối với 7 hộ gia đình để giải phóng mặt bằng cho dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Chiều 28/8, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, các lực lượng chức năng của huyện vừa hoàn thành việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất đối với 7 hộ gia đình tại thôn Đoài và thôn Đông, xã Kim Nỗ để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất xen kẹt phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại diện lãnh đạo xã Kim Nỗ cho biết, sau hơn 3 giờ ra quân tiến hành cưỡng chế, đến 10 giờ 30 sáng cùng ngày (28/8), toàn bộ việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng được hoàn thành. UBND huyện đã bàn giao diện tích đất sạch này cho UBND xã Kim Nỗ quản lý.
Đáng chú ý, quá trình cưỡng chế hoàn thành đúng kế hoạch, không có tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Lực lượng cưỡng chế được phân công nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục. Mọi tài sản, công trình, vật kiến trúc, vật nuôi có trên các thửa đất cưỡng chế được kiểm kê, thực hiện tháo dỡ, di chuyển, quản lý theo đúng quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất xen kẹt tại xã Kim Nỗ phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất được UBND huyện Đông Anh phê duyệt tại Quyết định số 4700/2012/QĐ-UBND và Thông báo số 586/2013/TB-UBND về việc thu hồi 14,021,4 m2 đất để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng khu đất xen kẹt tại 3 vị trí thuộc 3 thôn: Thọ Đa, Bắc và Đoài xã Kim Nỗ (tại điểm X4 thôn Đoài có diện tích thu hồi 4.571 m2).
Sau khi có quyết triển khai dự án và thông báo về việc thu hồi đất, huyện Đông Anh đã thực hiện các bước quy trình giải phóng mặt bằng theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội và những quyết định của UBND huyện về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, sau nhiều lần tổ chức chi trả tiền bồi thường và vận động thuyết phục, trả lời kiến nghị, đến trước thời điểm ra quyết định cưỡng chế, chỉ có 11/18 hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao đất. Đáng chú ý, trong phần diện tích người dân cố tình không bàn giao, có diện tích được giao đất theo Nghị định 64/CP Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
“Trước khi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, UBND huyện đã có báo cáo UBND thành phố và được chấp thuận chủ trương thực hiện cưỡng chế thu hồi đối với những hộ gia đình này”, ông Nguyễn Xuân Linh khẳng định.
Về những căn cứ pháp lý của việc thu hồi đất thực hiện dự án, việc áp dụng cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với những hộ gia đình có đất thu hồi còn lại và trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đề xuất của UBND huyện Đông Anh, trước đó, tại Văn bản kết luận số 3533/2019/TTTP-P3 của Thanh tra thành phố Hà Nội đã nêu rõ, UBND huyện Đông Anh đã thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, tuyên truyền vận động các hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng những hộ dân không chấp hành.
Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã ban hành các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, việc áp dụng cơ chế chính sách bồi thường là phù hợp với quy định tại thời điểm. Thanh tra thành phố cũng đề nghị UBND thành phố giao UBND huyện Đông Anh tiếp tục tuyên truyền, vận động đối với những hộ gia đình, cá nhân nhận tiền và bàn giao mặt bằng; tiếp tục thực hiện các quyết định hành chính về giải phóng mặt bằng do UBND huyện đã ban hành theo thẩm quyền.
Trên cơ sở kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Thông báo số 2077/TB-UBND ngày 21/8/2020, tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất đối với 7 hộ gia đình tại thôn Đoài, thôn Đông, xã Kim Nỗ để sớm thực hiện dự án.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp đối thoại với các hộ dân về chính sách giải phóng mặt bằng để người dân hiểu, đồng thuận và nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Hiện, huyện đang yêu cầu tập trung giải phóng mặt bằng đối với các diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án Chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà. Đây là dự án quan trọng khi hoàn thành và đưa sử dụng sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, buôn bán đồ gỗ tại Vân Hà.
Dự án chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất công bố lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn thành phố và nằm trong danh mục dự án thu hồi đất chuyển mục đích đất trồng lúa tại các nghị quyết của HĐND thành phố.
Theo quy hoạch, dự án chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà có tổng diện tích đất thu hồi là 46.700 m2 với tổng số 268 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Đến nay, đã có 228 hộ đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án, với tổng số tiền đã chi trả trên 25 tỷ đồng.
Hiện vẫn còn 40 hộ dân chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất về chính sách giá đền bù; kiến nghị được giao đất ở, tức đất dịch vụ khi bị thu hồi đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64 của Chính phủ; kiến nghị được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Để giải quyết kiến nghị của các hộ dân, mới đây (ngày 15/8), tại buổi đối thoại với người dân xã Vân Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định, tất cả các bước, các nội dung thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là chính sách giá đền bù đã được huyện thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Huyện đề nghị các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án hiểu và chấp hành nghiêm việc giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo huyện cũng nhấn mạnh, dự án chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà là một trong những dự án trọng điểm trong trục kinh tế miền Đông, nhằm thay đổi bộ mặt đô thị của địa phương, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động thông thương, buôn bán của nhân dân, từng bước nâng cao và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Vân Hà./.