Hà Nội: Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng
Ngày 20/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo bộ mặt Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Về phần mình, Thủ đô Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 3/2/2023 về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm, vị thế của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần đồng hành cùng các bộ, ngành Trung ương và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển vùng, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng với nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra một số ý kiến đề xuất để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Một là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng; tăng cường phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng. Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.
Hai là, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước...
Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành...
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển...
Năm là, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng...
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam và ASEAN kết nối với Trung Quốc - một trong những thị trường rộng lớn nhất thế giới. Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 826/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.