Hà Nội học hỏi kinh nghiệm quốc tế cách quản lý phố đi bộ
Mô hình quản lý phố cổ Hội An và một số TP trên thế giới là những kinh nghiệm có thể học hỏi và vận dụng cho việc quản lý, vận hành phố đi bộ Hồ Gươm cũng như những phố đi bộ khác ở Hà Nội.
Từ đó, Hà Nội có thể vừa duy trì không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc cho người dân, vừa quảng bá hình ảnh Thủ đô, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế đêm của TP.
Phố cổ Hội An dành cho người đi bộ và xe không động cơ
Sau Thủ đô Hà Nội, Hội An là TP tiếp theo của Việt Nam vinh dự nằm trong mạng lưới các TP sáng tạo. Giống với Hà Nội, Hội An cũng có phố đi bộ. Từ lâu, Hội An đã có đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm” và trở thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo.
Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sau một thời gian triển khai, đề án đã thu hút sự quan tâm của du khách và các đơn vị truyền thông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương và góp phần phát triển kinh tế du lịch tại Hội An.
Để có được những kết quả trên, tại Hội thảo quốc tế - Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam (tháng 3/2023), Thạc sĩ Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chia sẻ, từ rất sớm, Hội An đã xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn.
Theo đó, Hội An đã có dự thảo Quy chế bảo vệ Khu phố cổ (năm 1985), đến năm 1987, Quy chế bảo vệ và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức ban hành…
Tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thị xã Hội An (2006)…; đặc biệt Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần vào các năm: 2008, 2015. Đến năm 2020, các quy chế này được tích hợp chung vào Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành tại Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020, bảo đảm cơ sở pháp lý quản lý dâu dài cho khu phố cổ.
Thạc sĩ Phạm Phú Ngọc cũng cho biết, một số tuyến đường đi bộ hình thành các khu chợ đêm như Nguyễn Hoàng, Bạch Đằng. Một số không gian công cộng khác trên một số trục đường chính là nơi tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật phục vụ khách hằng đêm. Sông Hoài phát triển du lịch ghe bơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp khu phố cổ về đêm.
Đặc biệt, khu phố cổ có hàng chục con hẻm tuy hẹp nhưng mang lại nhiều ý nghĩa. Hẻm phố giải quyết vấn đề giao thông đi lại của người dân. Hẻm phố tạo sự giãn cách làm cho khối công trình khu phố cổ trở nên nhẹ nhàng, mềm mại hơn; là giải pháp hữu hiệu để thoát nước vào mùa mưa, giảm áp lực tác động của lũ lụt lên các công trình trong khu phố cổ. Hẻm phố còn là không gian yên bình, nhẹ nhàng dường như khác biệt không gian náo nhiệt tại những trục đường chính dù cho khoảng cách không xa, thậm chí chỉ vài bước chân.
Năm 2018, UBND TP Hội An ban hành Đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An”. Hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ đã xuất hiện từ lâu đời, là một trong những yếu tố tạo nên phần hồn của khu phố cổ và là sản phẩm văn hóa truyền thống của TP.
Vì thế đề án xác định mục đích là nhằm vừa gìn giữ bảo tồn yếu tố truyền thống văn hóa kinh doanh buôn bán vỉa hè, hàng rong, vừa phát huy, phát triển tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của khu phố cổ Hội An; bảo đảm sự ổn định, trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với truyền thống và cảnh quan của khu phố cổ, với đời sống dân sinh. Toàn bộ các mặt hàng này đều có yếu tố lịch sử, truyền thống trong khu phố cổ, mang đậm bản sắc văn hóa Hội An.
Ở Việt Nam có 2 mô hình thành công là phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Cá nhân tôi cho rằng để phát huy tiềm năng du lịch của Thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó.
Chuyên gia quy hoạch và thiết kế - ThS.KTS Vương Thùy Dương
Mặc dù vậy, trong quá trình phát triển, Hội An cũng đối mặt với những thách thức cần phải giải quyết về các mối quan hệ như: mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể.
Kinh nghiệm quản lý phố đi bộ của quốc tế
Trên thế giới có rất nhiều ví dụ minh họa cho sự thành công của việc tổ chức phố đi bộ trong các đô thị lịch sử, trước hết phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và giao tiếp của cộng đồng dân cư địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của du lịch, và đem lại những giá trị gia tăng cho địa điểm.
Tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, có tuyến phố đi bộ Nam Kinh (Nanjing Road) là nơi tập hợp của rất nhiều trung tâm thương mại lớn, khu mua sắm, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm... Khu phố được tu sửa và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bên cạnh những tòa ốc cao tầng tráng gương là những nhà hàng phong cách Trung Hoa làm cho khung cảnh xung quanh cũng trở nên thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi ghé thăm.
Theo anh Phạm Nguyên Ngọc - du học sinh tại Trung Quốc: “Phố đi bộ đúng nghĩa cần phải là một con phố thu hút rất đông người có nhu cầu vào đó, ăn uống, mua sắm, vui chơi; có cấm thì du khách vẫn chen nhau vào đó. Vì vậy, chính quyền địa phương đã quy hoạch một khu đỗ xe để khách ra vào. Đồng thời, chính quyền địa phương thực hiện đúng vai trò, để bảo đảm an ninh và không ùn tắc, phân luồng để xe không đi qua phố đó, chặn bằng các dải phân cách mềm.
Tại Nam Kinh, chính quyền đã lát đá lên con đường để biến con đường đó trở thành điểm đến thu hút khách du lịch và người dân đến mua sắm, và các kiến trúc bề ngoài của những ngôi nhà cũng thay đổi theo con đường khi được lát đá như sân nhà vậy. Phố đi bộ được hình thành, địa phương và các hộ dân cùng quảng bá sản phẩm, dịch vụ, để con phố trở thành điểm đến”.
Theo các chuyên gia, để những tuyến phố đi bộ thực sự trở thành một nơi có giá trị cho du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, các địa phương khi quy hoạch không gian đi bộ trước hết cần xác định thế mạnh của mình và nhu cầu của du khách để tổ chức phố đi bộ. Ngoài ra cần xác định rõ chức năng từng không gian để quản lý, không để phố đi bộ chỉ như những chợ đêm phục vụ người dân địa phương, nơi hàng rong và các dịch vụ khác hoạt động.
Kinh nghiệm các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… tổ chức các khu phố theo các phân khu chức năng rất rõ ràng. Ví dụ như Bangkok, phố Khao San Road, Cowboy Soi tập trung vào ăn uống và giải trí với các quán bar, nhà hàng, ẩm thực được tổ chức tới sáng; hay khu mua sắm và ẩm thực đường phố tại “chợ đêm xe lửa” Talad Rod Fai Bangkok, “chợ đêm máy bay” Chang Chui, chợ đêm Asiatique… Ngoài ra, các khu trung tâm mua sắm lớn như Central World, Emquatier cũng có các khu phố nhỏ bên ngoài bày bán ẩm thực địa phương hoặc quà lưu niệm.
Rõ ràng, đối với một TP lớn luôn đòi hỏi cần có một không gian rộng lớn hơn để tương tác, cộng đồng giao lưu; việc tạo nên những không gian phố đi bộ cũng là việc tạo ra các không gian sáng tạo.
Để khu vực phố đi bộ Hồ Gươm thực sự là không gian dành cho người đi bộ, tôn vinh những giá trị văn hóa Thủ đô cũng như cả nước, tôi cho rằng cần sửa quy chế để việc tổ chức các hoạt động ở đây trở nên quy củ và có tác động tích cực với sự phát triển văn hóa Thủ đô. Trên cơ sở những tiêu chí đã có, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng phê duyệt hoặc không phê duyệt đề nghị tổ chức sự kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở đây.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, trước hết cần có những con người sáng tạo, được phát triển trong một hành lang pháp lý ổn định. Chính quyền nên tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển công nghệ và sáng tạo. Xây dựng TP Sáng tạo, cần một kịch bản tổng thể và một “tổng đạo diễn” thông minh. Bởi lẽ những sản phẩm sáng tạo không thể chỉ đánh giá theo cách thông thường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hoc-hoi-kinh-nghiem-quoc-te-cach-quan-ly-pho-di-bo.html