Hà Nội hồi phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, bảo đảm năng suất các loại cây trồng.
Do ảnh hưởng của cơn bão 2, nhiều vùng ngoại thành Hà Nội ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, bảo đảm năng suất các loại cây trồng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, trong mưa lũ lớn xảy ra từ ngày 22/7 đã làm cho 5.257 ha lúa, 1.184 ha rau màu, 124 ha cây ăn quả bị úng ngập, 460 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 1.300 gia cầm bị ảnh hưởng... Tính đến ngày 1/8 còn khoảng 845,5ha diện tích lúa bị ngập nước; số diện tích lúa bị mất trắng khoảng 172,1ha. Đến ngày 5/8, nước trên sông Bùi sông Tích xuống nhanh chỉ còn ở mức báo động 1 và 2, hàng trăm hộ dân đã trở về nhà để làm vệ sinh môi trường và ổn định cuộc sống.
Thời điểm này, lúa trà sớm bắt đầu phân hóa đòng, lúa đại trà đang đẻ nhánh rộ, cây màu đang giai đoạn phát triển thân lá. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một số nơi bị úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến cây trồng.
Tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhiều gia đình như ông Nguyễn Văn Bảy hàng nghìn mét vuông rau màu vẫn còn bị ngập úng. Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, đợt mưa lớn vừa qua đã làm dập nát, thối lá, rễ ảnh hưởng hơn 1.000m2 trồng rau ăn lá của gia đình. Ở vùng đất trũng, nước lũ gây úng ngập rau màu; còn ở các chân ruộng cao, rau màu dập nát, hư hỏng nhiều. Ngoài ra, sau đợt mưa lớn, có thời điểm thời tiết xảy ra nắng nóng, khiến gốc rau bị úng, nhiều loại sâu bệnh, nấm táp lá xuất hiện, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Do ảnh hưởng bởi mưa bão đã làm cho gia đình bà Phạm Thị Nụ ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) gần như mất trắng 2 sào lúa vụ mùa năm 2024. Vì sau khi nước rút kiểm tra đồng ruộng lúa đều đã bị thối dễ, coi như vụ mùa này mất trắng.
Theo ông Lê Hoài Thi, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ), tổng diện tích canh tác lúa vụ mùa của toàn xã khoảng 300ha, nhưng đợt mưa vừa qua đã làm hơn 100ha lúa bị ngập sâu dưới nước. Lúa tại những khu vực bị ngập nước lâu ngày gần như bị hỏng…
Để khắc phục kịp thời hậu quả của mưa bão gây ra, hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đề nghị các địa phương xác định cụ thể hiện trạng diện tích bị ngập úng để theo dõi chặt chẽ; kịp thời khoanh vùng tiêu úng nhanh cho diện tích lúa mùa đã gieo cấy, không để lúa và rau màu bị úng ngập trong thời gian dài. Các địa phương cũng cần chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Đối với diện tích cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ mùa trên đất chuyên màu, các địa phương, nông dân cần chú trọng tiêu thoát nước khi có mưa lớn; tập trung chăm sóc sớm những diện tích đã gieo trồng, bảo đảm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Còn đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh, tạo thông thoáng cho vườn cây ăn quả, đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng, khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước; xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.
Tại các địa phương cũng đã khẩn trương hướng dẫn bà con các biện pháp khắc phục, vệ sinh đồng ruộng... để phục hồi sản xuất ngay sau khi nước rút. Cụ thể, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời hướng dẫn nông dân những biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích rau màu bị ngập. Đối với diện tích lúa bị ngập úng, chết, không thể gieo cấy bổ sung, ngay sau khi nước rút, nông dân có thể chuyển sang trồng rau ăn lá, cây ngắn ngày. Thị xã đề nghị các địa phương, đơn vị và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Để khắc phục hậu quả sau mưa bão, đối với diện tích trồng lúa, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực khơi thông các dòng chảy tiêu úng, làm cỏ sục bùn, dặm tỉa các khóm lúa bị chết… Đối với cây ăn quả lâu năm như cây bưởi, nhãn, ổi, táo... Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Đức đã kịp thời hướng dẫn các biện pháp khắc phục để giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất. Đó là đào sâu rãnh luống từ 30 đến 40cm để hạ thấp mực nước ngầm trong vườn, nhằm triệt tiêu nhanh độ ẩm, bão hòa đất, tránh cây trồng bị úng sinh lý, giảm chất lượng số quả còn lại trên cây. Đồng thời, thu dọn tàn dư thực vật, rắc vôi bột mặt luống hoặc trực tiếp vào gốc; chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm…
Cơn bão số 2 không chỉ làm thiệt hại về sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, mà nhiều khu dân cư cũng bị ngập lụt nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân... Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai cho biết, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; đảm bảo an ninh trật tự; kê kích tài sản, di rời dân đến khu vực an toàn; triển khai đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế...
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã cần bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại sau mưa bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.
Dự báo thời gian tới, miền Bắc khả năng đón thêm những đợt mưa to diện rộng. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các địa phương và nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết và các sinh vật hại gây ra, bảo đảm năng suất các loại cây trồng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-hoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-con-bao-so-2/342857.html