Hà Nội: Hơn 1.200 ca mắc sởi, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, số ca mắc sởi, tay chân miệng trong tuần qua trên địa bàn Thủ đô đều gia tăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 1 tử vong; trong khi cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh.

Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 11% dưới 6 tháng tuổi; 14% từ 6-8 tháng tuổi ; 11% từ 9 - 11 tháng tuổi; 23% từ 1 - 5 tuổi; 15% từ 6 - 10 tuổi và 25% trên 10 tuổi.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 300 ca mắc sởi điều trị nội trú và hơn 100 ca mắc sởi điều trị ngoại trú.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Hà Nội, trong số những bệnh nhân mắc sởi nhập viện, hầu hết có biến chứng viêm phổi, một số viêm phổi biến chứng nặng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy, thở máy xâm nhập và không xâm nhập.

Với những cháu có bệnh nền, khi mắc sởi vào nhập viện hầu hết đều nặng, có cháu biến chứng nặng phải thở máy. Điển hình là trường hợp bé gái 2 tuổi (ở quận Thanh Xuân) mắc sởi có bệnh lý bẩm sinh phức tạp, tắc ruột nhiều lần, đã được mổ, đặt hậu môn nhân tạo ở cơ sở y tế khác. Khi mắc sởi, cháu bé hấp thu kém, bị suy dinh dưỡng nặng nên cơ thể rất nhạy cảm. Cháu đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

BS Trưởng cho biết, đa phần bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa là trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine. Khai thác bệnh sử, các cháu thường bị phơi nhiễm trực tiếp và gián tiếp với sởi.

Bên cạnh đó, vẫn có trẻ lớn hoặc người trưởng thành do chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc đã tiêm vaccine phòng sởi nhưng chưa được tiêm đủ liều mắc sởi.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi trong tuần qua tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy. Dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận ca bệnh.

Đồng thời, CDC Hà Nội cũng cho biết, trong tuần qua ghi nhận thêm 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã; 120 xã, phường, thị trấn (tăng 80 trường hợp so với tuần trước đó).

Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 582 trường hợp tay chân miệng (tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2024). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng, trong đó có 1 ổ dịch tại cộng đồng trên địa bàn phường Phúc La, quận Hà Đông và 1 ổ dịch trong trường học trên địa bàn phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng. Hiện, còn 4 ổ dịch đang hoạt động, trong đó 3 ổ dịch tại quận Hà Đông và 1 ổ dịch tại quận Đống Đa.

Theo CDC Hà Nội nhận định, số mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hằng năm, chủ yếu là ca bệnh tản phát, ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng. Dự báo, số mắc tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng.

CDC Hà Nội cho biết, trong tuần tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi.

Cùng với đó, tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ha-noi-hon-1-200-ca-mac-soi-so-ca-mac-benh-tay-chan-mieng-dang-gia-tang-i763713/