Hà Nội: Hơn 400 điểm trông giữ xe thu phí không dùng tiền mặt

Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo gửi UBND TP về kết quả triển khai ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện sau 6 tháng mở rộng giai đoạn 2.

Hơn 400 điểm áp dụng công nghệ, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đạt gần 95%

Tính đến nay, toàn thành phố có 405 bãi/điểm trông giữ phương tiện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, Công ty VETC cung cấp dịch vụ tại 234 điểm (gồm 134 điểm cho ô tô và 100 điểm cho xe máy), Công ty VDTC triển khai tại 171 điểm (162 điểm ô tô và 9 điểm xe máy).

Hà Nội thanh toán gửi xe không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa.

Hà Nội thanh toán gửi xe không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa.

Tổng số lượt thanh toán không dùng tiền mặt đạt 843.892, chiếm 94,9% (so với 88,6% giai đoạn 1); thanh toán bằng tiền mặt còn 45.172 lượt, tương đương 5,1%. Riêng xe máy, lượt thanh toán bằng mã QR đạt 565.954 (tỷ lệ 93,1%), tăng hơn 7% so với giai đoạn 1; thanh toán tiền mặt là 42.253 lượt (6,9%). Đối với ô tô, các hình thức thanh toán điện tử như QR, VETC, ePass đạt 268.938 lượt, chiếm 98,9%.

Trong quá trình triển khai, Công an TP Hà Nội đã huy động hơn 1.400 lượt cán bộ, chiến sĩ kiểm tra 399 điểm trông giữ. Qua đó, xử phạt 22 trường hợp vi phạm về chiếm dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện trái phép với số tiền 275 triệu đồng.

Thanh tra Sở Xây dựng cũng kiểm tra hơn 200 điểm trông giữ xe do Sở cấp phép. Kết quả, 168 điểm đảm bảo đúng quy định, trong khi 39 điểm thuộc 13 đơn vị còn tồn tại sai phạm như vạch sơn mờ, thiếu biển báo, thiếu nhân viên hướng dẫn. Sở đã yêu cầu các đơn vị sớm khắc phục.

Ngoài ra, phối hợp với Công an TP và chính quyền địa phương, lực lượng Thanh tra đã phát hiện và xử phạt 76 trường hợp tổ chức trông giữ xe không phép, với tổng số tiền gần 450 triệu đồng.

Tiện lợi rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều tồn tại

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, việc thanh toán đỗ xe không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người dân: không cần mang theo tiền lẻ, tiết kiệm thời gian và phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Các hình thức như quét mã QR, ví điện tử, thẻ trả trước… giúp thao tác nhanh chóng, thuận tiện.

Tuy nhiên, triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các bãi trông giữ chưa có hình ảnh nhận diện riêng nên người dân khó phân biệt giữa điểm áp dụng công nghệ và điểm chưa triển khai. Nhiều nơi đăng ký sử dụng nhưng thực tế giao dịch không phát sinh hoặc chỉ mang tính đối phó. Có tình trạng nhân viên chỉ mang máy quét khi thấy lực lượng chức năng, gây khó khăn trong việc giám sát và kiểm tra thực chất.

Việc cập nhật dữ liệu tại một số điểm vẫn còn hình thức. Một số bãi do vận hành thủ công hoặc chưa đồng thuận giữa các bên nên chưa thể triển khai đồng bộ. Đặc biệt, các bãi trong khu dân cư, chung cư, bệnh viện… (bãi kín) hiện có tỷ lệ ứng dụng rất thấp so với các bãi ngoài trời (bãi hở).

Cơ sở hạ tầng công nghệ cũng còn nhiều hạn chế: lỗi mạng, mất kết nối, thiết bị nhanh hết pin, hệ thống bị treo, máy đọc biển số hoạt động thiếu ổn định… Một số người dân, đặc biệt là người cao tuổi, vẫn quen dùng tiền mặt và chưa có tài khoản thanh toán điện tử. Chưa có giải pháp hỗ trợ học sinh, người không dùng điện thoại thông minh hoặc không có mạng 3G/4G.

Đặc biệt, do Quyết định số 4696/QĐ-UBND ngày 06/9/2025 chưa quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt, nên việc triển khai còn mang tính tự nguyện. Một số đơn vị vẫn tiếp tục thu tiền mặt mà không bị xử lý. Ngoài ra, chưa có chế tài xử lý các đơn vị không gửi dữ liệu hoặc gửi không đúng thực tế.

Từ đây, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP và các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ, chính thức ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe không dùng tiền mặt tại toàn bộ các điểm đã được cấp phép.

Ban hành chế tài xử lý phù hợp với hành vi vi phạm trong hoạt động trông giữ ứng dụng công nghệ; Có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ, đặc biệt là các điểm nhỏ, điểm trông giữ xe đạp, xe máy.

Phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin bãi đỗ hợp pháp, giá, sức chứa, giờ hoạt động, cho phép người dân đặt chỗ trước giờ cao điểm nhằm giảm tình trạng đỗ xe sai quy định.

Đối với Công an TP Hà Nội, Sở này đề nghị cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động trông giữ phương tiện.

Về phía các đơn vị trông giữ phương tiện, Sở yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, nâng cao ý thức nhân viên, đảm bảo thực hiện đúng quy định: thu đúng giá, đúng diện tích, có đầy đủ biển báo, đồng phục, nội quy…

Các đơn vị công nghệ cần đẩy nhanh tích hợp dữ liệu lên nền tảng iHanoi – Công dân Thủ đô số. Đồng thời cung cấp dữ liệu minh bạch cho cơ quan quản lý, từ đó đối chiếu doanh thu và nâng cao hiệu quả giám sát.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống nhằm tăng tốc độ xử lý, đảm bảo chính xác, thuận tiện cho người dân, giảm chi phí đầu tư và bảo trì, tạo điều kiện để mở rộng mô hình.

Lê Tươi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-hon-400-diem-trong-giu-xe-thu-phi-khong-dung-tien-mat-192250707165209019.htm