Hà Nội: Hướng dẫn chi tiết việc chi trả tiền hỗ trợ người dân khó khăn vì Covid-19
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn 1325/HD-SLĐTBXH hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Để triển khai quyết định của UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19, chiều 29/4, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn 1325/HD-SLĐTBXH hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Cụ thể, người có công với các mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng) có tên trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020. Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; thời gian áp dụng hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, có quyết định được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và có tên trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4/2020. Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; thời gian áp dụng hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
Người thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo (theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo của TP. Hà Nội quy định tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND TP Hà Nội) có tên trong danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận, tính đến ngày 31/12/2019.
Mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, được hỗ trợ trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
Sở LĐ-TB&XH cũng lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện. Đó là việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách trở lên theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia (trường hợp không có nhu cầu nhận hỗ trợ phải có Giấy từ chối nhận chính sách hỗ trợ).
Trường hợp đã nhận 1 chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, sau đó cơ quan có thẩm quyền xác nhận thuộc diện hưởng chính sách khác với mức hỗ trợ cao hơn, thì thực hiện truy thu kinh phí trước đó và chi trả chính sách hỗ trợ cao hơn theo quy định.
Trường hợp vắng mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú chưa nhận kinh phí hỗ trợ thì UBND xã, phường, thị trấn lập danh sách chuyển đến Phòng LĐ-TB&XH; sau đó Phòng LĐ-TB&XH có Giấy mời đối tượng đến nhận hỗ trợ tại trụ sở Phòng LĐ-TB&XH.
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH các trường hợp không có tên trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020 thuộc diện hỗ trợ, bao gồm: Những trường hợp di chuyển từ tỉnh, TP khác đến TP Hà Nội để nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ tháng 4/2020; những trường hợp có quyết định được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng có thời điểm được hưởng từ tháng 4/2020 trở về trước.
Đối tượng có tên trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4/2020 (người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ chết trong tháng 4/2020 thì được hỗ trợ 1 tháng.
Các trường hợp người có công di chuyển hồ sơ hưởng trợ cấp trong TP hoặc đi tỉnh, TP khác kể từ ngày hướng dẫn thực hiện hỗ trợ này ban hành thì quận, huyện, thị xã nơi giới thiệu di chuyển giải quyết xong việc hỗ trợ mới làm thủ tục chuyển đi.