Hà Nội hướng tới vị thế trung tâm công nghiệp văn hóa châu Á
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù đối mặt với nhiều khó khăn, ngành văn hóa – thể thao Thủ đô vẫn đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Các thành viên chủ tọa Đại hội.
Ngày 3/7, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025–2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đại hội là dịp quan trọng để đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ 2020–2025, dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và biến động quốc tế, ngành văn hóa – thể thao Thủ đô đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Phó Giám đốc Sở Phạm Xuân Tài cho biết, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng di tích với 6.489 địa điểm được kiểm kê, cùng nguồn đầu tư công lớn – hơn 14.000 tỷ đồng – dành cho tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản. Các chương trình trải nghiệm đêm tại Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đền Ngọc Sơn đã tạo dấu ấn văn hóa mới mẻ, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa được duy trì và phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư, với hơn 5.200 công trình hiện có trên toàn thành phố.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động, liên tục đổi mới với nhiều cuộc thi, liên hoan quy mô như “Giọng hát hay Hà Nội”, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan phim quốc tế HANIFF, Liên hoan Xiếc quốc tế… Các nhà hát trung bình dàn dựng 18 vở diễn mới mỗi năm, biểu diễn trên 3.000 buổi phục vụ công chúng.
Thể dục thể thao được chú trọng phát triển toàn diện, khơi dậy tinh thần rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận nỗ lực của ngành và khẳng định: Hà Nội có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực châu Á. Đồng chí đề nghị ngành Văn hóa và Thể thao cần đổi mới tư duy từ ổn định sang sáng tạo, từ quản lý khép kín sang hội nhập, chấp nhận thử nghiệm và mở rộng không gian sáng tạo.
Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ vững chuyên môn, làm chủ công nghệ, đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ thông qua các quỹ hỗ trợ, chính sách thiết thực. Đây sẽ là tiền đề để biến nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định vai trò của Hà Nội không chỉ là trung tâm văn hóa của cả nước mà còn vươn tầm khu vực.