Hà Nội: Huy động sức dân đưa nông thôn tiến gần thành thị
Những năm qua, Hà Nội luôn được xem là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Kết quả đó không chỉ đến từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền TP, mà còn nhờ sự chung tay, góp sức của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Nhân dân đóng góp gần 655 tỷ đồng
Đến với xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì những thay đổi trong diện mạo nơi mảnh đất vùng đồi gò. Đặc biệt, những con đường bê tông khang trang, rộng đẹp với sự chung sức của nhân dân đã thay thế hoàn toàn đường đất khó đi của nhiều năm về trước.
Ông Thân Danh Đạt (thôn Yên Thịnh, xã Sơn Đà) là một trong những hộ điển hình, đã tự nguyện hiến 126m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng tuyến đường liên thôn Yên Thịnh - Tri Phú. “Bản thân tôi quan niệm đóng góp để xây dựng đường giao thông là làm đẹp cho quê hương, và cũng để đường đến trường của con em mình được thuận lợi…” - ông Đạt bộc bạch.
Đối với công nhận, biểu dương, khen thưởng việc thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đến năm 2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu phải “thực chất, khách quan, có tác dụng giáo dục, nêu gương, có phạm vi ảnh hưởng, có sức lan tỏa trong ngành, lĩnh vực, địa phương, TP và cả nước”.
Tại xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì), chỉ trong vòng hơn hai năm qua, trên 28 tỷ đồng đã được nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã đã từng bước hoàn thiện theo hướng đô thị. Người dân phấn khởi vì nguồn lực đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong 2 năm 2021 - 2022, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP là hơn 41.190 tỷ đồng. Trong quý I/2023, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, Hà Nội tiếp tục huy động được hơn 1.700 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.
Trong số hơn 41.190 tỷ đồng, nguồn lực huy động được ngoài ngân sách Nhà nước là 2.598 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng kinh phí đã huy động. Đáng chú ý, nhân dân đã chung tay đóng góp gần 655 tỷ đồng. Một số địa phương có nguồn lực huy động từ nhân dân lớn có thể kể tới là: Sóc Sơn trên 84 tỷ đồng, huyện Ba Vì khoảng 85 tỷ đồng, huyện Mỹ Đức gần 84 tỷ đồng, huyện Hoài Đức khoảng 142 tỷ đồng…
Nhân rộng cách làm hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, một trong những giải pháp được địa phương triển khai tích cực nhằm huy động được nguồn lực từ nhân dân là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - giám sát và dân hưởng thụ.
“Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội có sử dụng nguồn lực xã hội hóa, địa phương cố gắng phát huy tốt nhất vai trò của ban giám sát đầu tư của cộng đồng, bảo đảm nguồn lực nhân dân đóng góp được sử dụng hiệu quả; từ đó tạo dựng niềm tin trong nhân dân…” - ông Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm.
Để tiếp tục huy động nguồn lực từ nhân dân cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đến năm 2025.
Mục tiêu mà TP hướng đến là tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội về xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ban ngành, các địa phương triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đến năm 2025 từ TP đến cơ sở; xác định đây là phong trào thi đua trọng tâm trong các phong trào thi đua yêu nước của TP.
“Trong quá trình triển khai phong trào, các đơn vị cần quan tâm, kịp thời phát hiện, khen thưởng, biểu dương những mô hình mới, cách làm hay; từ đó có kế hoạch tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng các sáng kiến kinh nghiệm, mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua…” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đặt ra yêu cầu.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 20% tổng số huyện, 40% tổng số xã về đích nông thôn mới nâng cao, và 20% tổng số xã của toàn TP đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-huy-dong-suc-dan-dua-nong-thon-tien-gan-thanh-thi.html