Hà Nội kết nối di sản để phát triển du lịch

Hà Nội định hướng phát triển du lịch gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải kết hợp chặt chẽ với bản sắc độc đáo, riêng có trong văn hóa, di sản của Hà Nội - Việt Nam.

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023

Tối ngày 24/3, tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 đã chính thức khai mạc với chủ đề: "Kết nối di sản phát triển du lịch".

Lễ hội được tổ chức từ ngày 24-26/3 với quy mô 150 gian hàng, có sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước); 12 quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, gần 100 đơn vị hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, khu du lịch, đơn vị ẩm thực, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Lễ hội Du lịch năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Lễ hội Du lịch năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, so với các năm trước, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 có nhiều nét mới, sáng tạo.

Trong đó có thể kể đến: Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch di sản; Famtrip "Tìm về kinh đô người Việt cổ" (khu di tích Thành Cổ Loa), "Hành trình di sản" (Hoàng Thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng); Hội chợ xúc tiến thương mại du lịch 2023 tại huyện Mỹ Đức; diễu hành xích lô tái hiện nghi lễ cưới hỏi của người Hà Nội;...

Khách du lịch quốc tế tham gia Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Khách du lịch quốc tế tham gia Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Bên cạnh đó, du khách có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn Hà Nội như tour giả lập kết nối di sản Hoàng Thành Thăng Long - chùa Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử cùng nhiều hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật sôi động.

Nhân dịp Lễ hội, du khách có thể mua hàng nghìn tour kích cầu du lịch của các doanh nghiệp du lịch hàng đầu đến các điểm đến văn hóa, di sản của Hà Nội và các địa phương trên cả nước, tour kết nối các điểm đến quốc tế. Đồng thời, thưởng thức, trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn, mua sắm các sản phẩm làng nghề độc đáo, đậm chất văn hóa tại khu vực nhà Bát Giác và phố Lê Thạch.

Phấn đấu đón trên 22 triệu lượt khách trong năm 2023

Ngay sau khi Chính phủ mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút du khách đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Nhờ đó hoạt động du lịch của thành phố đã có sự chuyển biến, phục hồi tích cực.

Hà Nội đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và thế giới, xây dựng thương hiệu ẩm thực "Hà Nội - bếp ăn của thế giới". Ảnh: Sở Du lịch thành phố Hà Nội

Hà Nội đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và thế giới, xây dựng thương hiệu ẩm thực "Hà Nội - bếp ăn của thế giới". Ảnh: Sở Du lịch thành phố Hà Nội

Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng. 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo kế hoạch, năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.

Mới đây, Hà Nội được tổ chức World Travel Awards bình chọn danh hiệu là thành phố du lịch ngắn ngày tốt nhất thế giới.

Tạp trí Tripadvisor - tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới cũng bình chọn Hà Nội là thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn trong top 3 của thế giới.

Đây là những tiền đề để du lịch Thủ đô Hà Nội bứt phá trong năm 2023 và những năm tiếp theo với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và thế giới, xây dựng thương hiệu ẩm thực "Hà Nội - bếp ăn của thế giới".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu này, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, tạo sự phát triển đột phá.

Phát triển du lịch phải gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải kết hợp chặt chẽ với bản sắc độc đáo, riêng có trong văn hóa, di sản của Hà Nội - Việt Nam.

H.Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-ket-noi-di-san-de-phat-trien-du-lich-179230325103331632.htm