Hà Nội khắc phục bất cập trong phòng cháy, chữa cháy

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, Sở đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục những bất cập trong công tác PCCC của Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn nhiều bất cập

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ cháy lớn, trong đó có những vụ gây thiệt hại không nhỏ về người. Phải chăng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở Hà Nội vẫn còn bất cập, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Thời gian qua, công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền Thành phố. Từ khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, các điều kiện về cơ sở vật chất, biên chế, tổ chức, bộ máy đã từng bước được củng cố phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có những bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Thứ nhất, Hà Nội là thành phố rất lớn với 3.000km2, với 30 quận, huyện; có nhiều khu đô thị phát triển, kéo theo số lượng dân cư gia tăng, tài sản gia tăng. Số lượng người dân tăng lên kèm theo nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất ngày một gia tăng nên nguy cơ mất an toàn về cháy nổ cũng tăng lên.

Thứ hai là bất cập về nguồn nước. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì trên các tuyến phố phải có mạng lưới trụ nước chữa cháy, nhưng trong điều kiện hiện nay, nước phục vụ chữa cháy hết sức khó khăn. Đến nay, trên toàn Thành phố có 1.480 trụ nước chữa cháy. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn thì cứ 150m đường phố là phải có 1 trụ nước chữa cháy thì Hà Nội hiện đang thiếu khoảng 5.000-6.000 trụ.

Thứ ba là sự quá tải trong giao thông. Nếu vào giờ cao điểm thì xe chữa cháy không thể phát huy quyền ưu tiên vì không có chỗ nào để nhường đường cho mình.

Bên cạnh những bất cập nói trên, Hà Nội còn nhiều khu phố cổ, phố cũ, nhà kiểu ống bố trí san sát, liền nhau, cháy nhà này có thể lan sang nhà khác, dẫn tới cháy liên hoàn. Trong khi đó vẫn còn nhà làm bằng vật liệu dễ cháy.

Thành phố hiện có khoảng trên 1.200 ngõ hẹp, dài từ 200m trở lên, có ngõ sâu đến 1,2km, xe chữa cháy không vào được, khó khăn cho công tác chữa cháy.

Hà Nội hiện có 19 đội chữa cháy trên diện tích 3.344km2. Trong khi đó, quy chuẩn của ta cách đây 30 năm đã là 1 đội chữa cháy trung tâm chỉ hoạt động trong bán kính 5km, tức là khoảng 80km2, một đội chữa cháy khu vực chỉ hoạt động trong bán kính 3km. Như vậy, ta cần phải bổ sung thêm nhiều đội chữa cháy để giảm cự ly chạy cháy.

Tôi xin nhấn mạnh là công tác chữa cháy ban đầu rất quan trọng, vì có thể giúp khống chế đám cháy, dập lửa và giảm thiểu thiệt hại một cách hiệu quả nhất. Thực tế thì lực lượng tại chỗ của chúng ta vừa thiếu về nghiệp vụ, vừa yếu về trang bị phương tiện, cho nên công tác chữa cháy ban đầu gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những bất cập cần được quan tâm trong điều kiện hiện nay.

Cuối cùng, ý thức PCCC của nhân dân, của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, các chính quyền cơ sở còn chưa cao. Thậm chí, nhiều người không biết xử lý thế nào khi xảy ra cháy. Không ít người còn chủ quan, coi thường. Mỗi người có ý chủ quan thì sẽ ảnh hưởng tới xã hội. Càng nhiều người chủ quan thì càng nguy hiểm hơn.

Nỗ lực đề phòng “bà hỏa”

 Vụ cháy tại Công ty cổ phần len Hà Đông ngày 19/2/2014 gây thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: VGP/Minh Anh

Vụ cháy tại Công ty cổ phần len Hà Đông ngày 19/2/2014 gây thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trước những bất cập này, Sở Cảnh sát PCCC đã triển khai công tác như thế nào để hạn chế những vụ cháy nổ xảy ra và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Chúng tôi đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Tiếp theo là đẩy mạnh và nâng cao quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, các cấp chính quyền về PCCC theo Luật PCCC. Trong những năm gần đây,do công tác tuyên truyền tăng cường nên ý thức PCCC của người dân đã được nâng lên, sự quan tâm của người dân tới công tác PCCC cũng có chuyển biến.

Từ khi thành lập Sở đến nay, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong công tác PCCC, chúng tôi cũng đã ký kết quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan. Tới đây, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục ký các quy chế phối hợp với các đơn vị khác của Hà Nội để không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC.

Khắc phục bất cập về nguồn nước, thời gian qua, Thành phố đã quan tâm lắp đặt thêm các trụ cứu hỏa. Trong công tác thẩm duyệt về PCCC, chúng tôi cũng yêu cầu các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng, các đơn vị cơ sở phải tăng cường thêm nguồn nước tại chỗ để phục vụ chữa cháy.

Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng lực lượng tại chỗ. Đây là lực lượng rất quan trọng, chữa cháy ngay từ ban đầu sẽ giảm thiểu thiệt hại rất lớn. Mục tiêu thứ hai là giảm thiểu thiệt hại. Muốn như vậy thì phải kiểm tra, thanh tra và xử lý theo quy định. Những năm gần đây, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm được đẩy mạnh, số tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC tăng theo hằng năm.

Song song với những công tác trên, lực lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Sở tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tổ chức lập và thực tập phương án chữa cháy tại những đơn vị trọng điểm có nhiều nguy hiểm cháy, nổ, huy động nhiều lực lượng tham gia để chủ động hơn nữa trong công tác cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra.

Đối với những nguy cơ cháy nổ từ các cây xăng trên địa bàn Thành phố, Sở Cảnh sát PCCC sẽ có hướng xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, năm 2013 Sở Cảnh sát PCCC đã phối hợp Sở Công Thương, Sở GTVT kiểm tra toàn bộ 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đề xuất, di dời giải tỏa 12 cửa hàng không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đối với các cơ sở có khả năng cải tạo, tăng cường các giải pháp an toàn về PCCC thì đề xuất cải tạo để tiếp tục được phép hoạt động kinh doanh.

Hà Nội vừa xảy ra vụ cháy quán karaoke làm nhiều người thiệt mạng. Với các bar, quán karaoke cần có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Hằng năm, Sở Cảnh sát PCCC Thành phố đều xây dựng các kế hoạch và tổ chức kiểm tra chuyên đề theo các loại hình cơ sở, trong đó chú trọng các cơ sở nguy hiểm cháy nổ, cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, karaoke, vũ trường, nhà cao tầng, nhà kho, xưởng sản xuất…

Riêng đối với loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thuộc Sở phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với loại hình này.

Sở PCCC đang xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các đối tượng đang kinh doanh karaoke và vũ trường trên địa bàn Thành phố. Quan điểm chỉ đạo của Sở là ở đâu có thể phối hợp với liên ngành thì càng tốt, còn không thì lực lượng PCCC phải chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm và tạm đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước để rút giấy phép kinh doanh hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/ha-noi-khac-phuc-bat-cap-trong-phong-chay-chua-chay/199075.vgp