Hà Nội: Khan hiếm nhà ở, căn hộ tập thể cũ giá cao vẫn đắt khách
Nhà tập thể cũ ở nội đô Hà Nội dù có mức giá cao ngang ngửa căn hộ chung cư hiện đại, song vẫn là lựa chọn của không ít gia đình. Dự báo, với nguồn cung dự án nhà ở khan hiếm như hiện nay, giá căn hộ tập thể cũ sẽ tiếp tục tăng.
Giá nhà tập thể cũ ngang ngửa chung cư mới
Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều căn hộ tập thể cũ đã xuống cấp nhưng vẫn được rao bán với mức giá từ 60 - 80 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới 100 triệu đồng/m2. Trong đó, một số căn được chủ chia nhỏ, cơi nới tự phát, hoặc không có pháp lý rõ ràng.
Liên tục đăng tin rao bán nhà tập thể cũ trên các hội nhóm mua bán nhà đất, chủ căn hộ tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), anh N.T.Đ chia sẻ, căn hộ diện tích 26m2, tôi đang rao bán với giá 1,8 tỷ đồng, tương đương 69 triệu đồng/m2.
"Trên sổ đỏ thì căn này có diện tích 26m2 nhưng diện tích thực tế sử dụng lên tới 60m2. Nhà đã cơi nới chồng móng từ dưới tầng 1 nên rất chắc chắn, ai có thiện chí mua ngay thì gia đình sẽ cân nhắc và bán lại với mức giá hữu nghị nhất” - anh N.T.Đ cho biết thêm.
Tương tự, bà N.H.H cũng đang rao bán căn hộ tập thể Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội), căn hộ của gia đình nằm ở tầng 2, có diện tích 80m2, trong đó sổ đỏ chính chủ 32m2, còn 48m2 còn lại đã cơi nới thêm ban công, thiết kế 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh và 1 phòng khách, bếp với mức giá 2,3 tỷ đồng.
“Trước đây, tôi rao mãi mà không có ai hỏi. Nhưng dạo này, điện thoại tôi reo liên tục, rất nhiều người hỏi mua đặc biệt là các khách ngoại tỉnh có nhu cầu mua nhà để thuận tiện cho con cái học đại học trên thành phố nên nhà rất được giá” – bà N.H.H tâm sự.
Giá bán “hot” nhất phải kể đến khu tập thể trên phố Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội). Một căn hộ có diện tích 30m2 đang được rao bán với mức giá 3,1 tỷ đồng, tương đương hơn 100 triệu đồng/m2.
Chủ căn hộ trên phố Kim Mã Thượng anh G.T cho biết: Đây là khu vực trung tâm thành phố, dân trí cao có nhiều người nước ngoài sinh sống rất thuận tiện kinh doanh cho thuê hay mở hàng quán nên mức giá bán nhà tập thể tại đây đang ngang bằng với phân khúc chung cư cao cấp mới, căn hộ sang hạng B mới xây.
Nguồn cung nhà ở khan hiếm, nhà đầu tư săn lùng
Sau gần 5 năm tích góp, vợ chồng chị Ngô Diệu Ly (Đống Đa, Hà Nội) cho biết vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm mua nhà tập thể khi mà giá tăng cao, phân khúc tập thể giá rẻ lại ngày một khan hiếm.
Nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục khan hiếm nếu cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ; các vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án tiếp tục chậm trễ và phức tạp… sẽ khiến giá cả thị trường không ổn định. Đây là những yếu tố cộng hưởng khiến chi phí xây dựng có tăng cao, kéo theo giá nhà ở tiếp tục được thổi lên.
Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Anh
“Vợ chồng tôi đang tìm mua một căn hộ tập thể có diện tích khoảng 50m2 mà ngân sách chỉ có 2,5 tỷ đồng. Thế nên việc tìm mua nhà trong tầm giá đó thực sự khó khăn vì những dự án mới tôi khảo sát giá thường dao động từ 60 - 80 triệu đồng/m2 trở lên. Như vậy, với mức giá trên, tôi còn thiếu khoảng 500 triệu nữa mới có thể mua được nhà. Để thuận tiện cho việc đi lại làm việc của 2 vợ chồng và việc học hành của con cái nên gia đình đã quyết định vay mượn thêm để mua lại căn hộ” - chị Ly chia sẻ.
Mỏi mắt tìm nhà cả nửa năm nay, chị Mai Thu Thảo (Hà Đông, Hà Nội) thực sự ngỡ ngàng khi nghe chủ nhà phát giá bán. Theo chị Thảo, giá các căn hộ tập thể cũ tại khu vực sầm uất, gần phố cổ Hà Nội chạm ngưỡng 3 tỷ đồng (hơn 100 triệu đồng/m2) với diện tích chưa đầy 30m2.
“Tôi đang tìm mua khu nhà tập thể để phục vụ việc kinh doanh. Tôi cũng có tham khảo giá ở rất nhiều nơi nhưng mỗi lần chủ hộ phát giá tôi không khỏi giật mình vì giá quá cao. Hiện, một căn nhà tập thể cũ giá ngang ngửa căn chung cư xây mới” – chị Thảo cho hay.
Một khu nhà tập thể tại phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh Đoàn Thảo Nguyên
Trao đổi về vấn đề này, nhân viên môi giới bất động sản Đinh Trang My cho biết, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao dẫn tới nhu cầu sử dụng về nhà ở và nhu cầu đầu tư của người dân ngày càng lớn. Bên cạnh đó, người mua có xu hướng chọn nhà tập thể cũ vì gần như không phải chịu các khoản phí dịch vụ, phí bảo trì như ở chung cư. Từ đó giúp tiết kiệm được một khoản phí sinh hoạt hàng tháng. Nếu may mắn mua được căn hộ tập thể đã qua sửa sang, người mua cũng không phải dành ra quá nhiều tiền để cải tạo hay mua sắm nội thất.
Lý giải nguyên nhân khiến giá nhà ở tập thể ngày càng tăng cao, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Anh cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung dự án khan hiếm như hiện nay thì giá căn hộ tập thể cũ vẫn sẽ tiếp tục tăng cao.
Giai đoạn vừa qua, chung cư cũ gần như đã bị lãng quên vì chưa có những phương án tối ưu để cải tạo. Tuy nhiên sau khi thay đổi một số chính sách thì nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu săn lùng, tìm mua nhằm mục đích sinh lời, chờ cải tạo để được đền bù giá cao. Đặc biệt với những căn ở khu vực trung tâm thì khi thanh khoản sẽ rất nhanh cho nên giá nhà tại các khu vực này được đẩy lên cao là điều tất yếu, không có gì lạ.