Hà Nội: khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm

Để tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đơn vị đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền của TP ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng đối với giáo viên ôn luyện cho học sinh.

Thực hiện nghiêm quy định

Ngày 14/2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.900 trường học; 2,3 triệu học sinh và 130.000 giáo viên, Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư 29.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, tổ chức dạy thêm, học thêm vốn là vấn đề phức tạp; phụ huynh và học sinh Hà Nội có nhu cầu rất lớn. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là học sinh.

Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29 trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết vì văn bản cũ (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT) ban hành từ năm 2012 có nhiều nội dung không còn phù hợp. Các nội dung tại Thông tư mới bao quát được toàn bộ hoạt động dạy, thêm học thêm ở trong và ngoài trường học; trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các quy định của Thông tư hướng đến việc đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, bảo đảm lợi ích của học sinh, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm, mẫu mực của nhà giáo.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã và đang quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai nội dung của Thông tư 29. Ngày 11/2 – 3 ngày trước khi Thông tư có hiệu lực, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trong việc triển khai thực hiện.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Thông tư, báo cáo kịp thời về Sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, tới đây, Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để học sinh học đúng chương trình, không cần học thêm.

Đồng thời, Sở sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm (nếu có).

Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND TP ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm.

Mong sự đồng hành của phụ huynh

Chia sẻ quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, thuộc trách nhiệm của nhà trường (học sinh chưa đạt, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp), Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc bảo đảm học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên.

Hầu hết giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực hỗ trợ học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Thực tế đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Tuy nhiên, nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, để Thông tư mới đi vào thực tiễn và có hiệu quả thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó điều quan trọng là sự thay đổi về nhận thức cán bộ, giáo viên, phụ huynh và xã hội.

Theo đó, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh cần được tăng cường nhằm nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên; giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm để thực hiện đúng. Ngoài ra, Hà Nội cũng quan tâm các chính sách bảo đảm đời sống cho giáo viên, giúp họ chuyên tâm cống hiến với nghề.

“Để triển khai các nhiệm vụ của ngành giáo dục nói chung và quản lý dạy thêm, học thêm nói riêng, bên cạnh tinh thần quyết tâm, nỗ lực của ngành còn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, giám sát của phụ huynh học sinh. Mong rằng phụ huynh học sinh hãy tin tưởng, chung sức đồng lòng với ngành giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về dạy thêm học thêm để cùng hướng tới một nền giáo dục lành mạnh, phát triển” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khan-truong-xay-dung-du-thao-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them.html