Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, GRDP bình quân của Hà Nội đạt 6,57%, đây là mức khá cao so với khu vực và quy mô kinh tế của Thành phố.

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” tổ chức Hội nghị Tổng kết. Ảnh: P. Linh

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” tổ chức Hội nghị Tổng kết. Ảnh: P. Linh

Theo báo cáo tổng kết Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 02), sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, kinh tế Thủ đô vượt qua nhiều khó khăn, duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã nỗ lực, quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và quần chúng nhân dân, Thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 đã được phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện để Hà Nội khai thác tối đa tiềm năng về kinh tế, văn hóa và đô thị, là bệ phóng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng, vượt 12,6% kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025, trong đó: Thu nội địa trên 1,46 triệu tỷ đồng, vượt 12,4% kế hoạch. Tổng chi ngân sách đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch tài chính 05 năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch liên tục tăng, ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, thương mại điện tử có bước chuyển mình rõ rệt: Dịch vụ chiếm 65,6%, công nghiêp, xây dựng chiếm 32,4%, ngành nông nghiệp khoảng 2% trong tổng GRDP.

Thu hút đầu tư xã hội - nguồn đầu tư quan trọng cho tăng trưởng, dự kiến đạt 2,53 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần giai đoạn 2016-2020. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số đạt 16,26% (khoảng 9,5 tỷ USD). Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong khi hoàn thành 100% thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 80%.

Đóng góp của khoa học và công nghệ, các nhân tố tổng hợp (TFP) khoảng 48,5% cho tăng trưởng. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thủ đô đã phát triển vượt bậc với hơn 500 doanh nghiệp được hình thành, trong đó nhiều doanh nghiệp đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư quốc tế.

Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao; đường Vành đai 2 trên cao; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… Nhiều công trình được khởi công và đẩy nhanh tiến độ: Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; chuẩn bị đầu tư, khởi công cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, tuyến đường sắt đô thị số 5...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của UBND Thành phố tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình số 02. Ảnh: P. Linh

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của UBND Thành phố tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình số 02. Ảnh: P. Linh

Phát biểu tại hội nghị Tổng kết Chương trình số 02, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Hà Nội quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên trong năm 2025, và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt với nỗ lực không ngừng.

Thành phố xác định tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào quy mô; chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với lợi thế từ các chính sách đặc thù và các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo.

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững không chỉ là nhiệm vụ mà còn là khát vọng của hơn 10 triệu người dân Hà Nội. Chúng ta phải "mơ xa, nghĩ lớn", cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển tăng tốc, bứt phá với "tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn", với "tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội".Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Theo đó, Thành phố sẽ hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D); đầu tư mạnh vào giáo dục, khoa học công nghệ, kết nối các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội vươn ra thế giới.

Thành phố tập trung hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực… đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Hướng tới mục tiêu xây dựng "chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc"

Hà Nội cũng sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và dịch vụ chất lượng cao, tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng số, AI, ngoại ngữ và tư duy sáng tạo cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.

Với những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự đồng hành của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô, Hà Nội sẽ sớm trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, đáng sống và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh kỳ vọng.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ha-noi-khang-dinh-vai-tro-dau-tau-dan-dat-phat-trien-vung-va-ca-nuoc-39063.html